You are here

Thương lắm bệnh nhân!

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang trở lên cấp bách đến mức báo động. Sự thiếu thốn ấy đòi hỏi các cán bộ và cơ quan có thẩm quyền phải khẩn trương, rốt ráo hành động vì sức khỏe và sinh mạng của nhân dân. Sự mong mỏi có phần bức xúc của bệnh nhân và gia đình phải được quan tâm giải quyết như một ưu tiên trong chương trình hành động của Chính phủ.

Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chữa trị, chăm sóc bệnh nhân. Nó tạo ra áp lực và không khí nặng nề trong các bệnh viện không chỉ đối với bệnh nhân, gia đình của bệnh nhân mà cả các bác sĩ. Sự thực thiếu thốn đẩy các bác sĩ vào trạng thái lực bất tòng tâm đến mức một số bác sĩ bày tỏ sự lo lắng trên báo chí và mạng xã hội.

Lo lắng cho bệnh nhân, một bác sĩ viết trên Facebook của mình: “để người bệnh thiếu thuốc chỉ vì thủ tục hành chính là điều không thể chấp nhận được”. Việc thiếu thuốc, nhất là các thuốc thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế khiến các bệnh nhân nghèo vốn đau khổ vì bệnh tật càng thêm bất an. Nỗi bất an càng gia tăng khi các giải pháp cụ thể, thiết thực chưa được đưa ra.

Ngành y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong hai năm vừa qua. Nguồn lực của ngành y tế bị bào mòn không chỉ bởi sự khắc nghiệt của dịch bệnh mà còn bởi sự tha hóa của không ít cán bộ y tế. Trong bối cảnh ấy, hoạt động chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân bị ảnh hưởng đáng kể.

Dù vậy, nếu tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế không sớm được giải quyết, quyền khám, chữa bệnh của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây sẽ là phép thử đối với uy tín của Bộ Y tế bởi dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phải là một ưu tiên của bộ. Tất nhiên, đây không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Y tế mà cả các bộ, ngành liên quan đến đầu tư và đấu thầu công.

Một phần nguyên nhân của tình trạng thiếu thốn vật tư y tế hiện nay chính là căn bệnh ngại, sợ trách nhiệm. Báo chí đã nói nhiều và dư luận xã hội bức xúc về tình trạng thiếu thốn thuốc, vật tư y tế mà hành động của các cơ quan chức năng không khẩn trương, kịp thời thì căn bệnh sợ, ngại trách nhiệm sẽ trở thành căn bệnh vô cảm. Nếu để tình trạng này kéo dài thì tính ưu việt, tính nhân văn của chế độ xã hội sẽ bị ảnh hưởng.

Tại Việt Nam, phúc lợi y tế là một trong những cột trụ của hệ thống phúc lợi xã hội. Phúc lợi y tế bảo đảm rằng, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ở một chuẩn mực xác định với chi phí thấp hoặc miễn phí. Điều này thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, vì thế việc bảo đảm quyền khám, chữa bệnh của người dân không chỉ là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân mà còn để bảo vệ bản chất của chế độ.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra “biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường”. Trên cơ sở đó, Văn kiện xác định “chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của Nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm...”.

Dân gian Việt Nam có câu “thương người như thể thương thân”, ý nói cần thương người khác thật sâu sắc, trọn vẹn như thương chính bản thân mình. Xét như thế, nếu mỗi cán bộ có thẩm quyền đặt mình vào vị trí người nhà của bệnh nhân hay của chính bệnh nhân thì sẽ thấy rằng, bệnh nhân và thân nhân của họ không thể chờ đợi, không thể không xót xa, sốt ruột chờ mong giải pháp đến nơi đến chốn của những người có trách nhiệm.

TS. Vũ Thanh Vân



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE