You are here

Mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế: Vướng mắc tiếp tục được tháo gỡ

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước cũng như trong thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. Ðã có bệnh viện phải điều chỉnh lại phương án hoạt động để thích ứng tình hình, thậm chí có đơn vị đưa ra cảnh báo về nguy cơ dừng hoạt động… Người bệnh chính là những người đầu tiên chịu tác động từ tình trạng đó.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan đưa ra những giải pháp cụ thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các bệnh viện kịp thời mua sắm được thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Ðối với thuốc, Bộ Y tế đã gia hạn số đăng ký lưu hành cho 9.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế.

Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược; xây dựng, ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị.

Ngày 3/3 Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NÐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Nghị định số 07/2023/NÐ-CP là căn cứ để các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế và các cơ quan quản lý, lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ nhằm góp phần cung cấp cho ngành y tế trang thiết bị có chất lượng, đúng giá trị và sử dụng hiệu quả phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Và một trong những điều mà dư luận, ngành y tế rất quan tâm đã đến khi ngày 4/3 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP cho phép thay đổi xác định giá các gói thầu trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Trường hợp chỉ có một hoặc hai nhà phân phối/doanh nghiệp cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Với những trang thiết bị, vật tư y tế cùng chủng loại nhưng có nhiều nhà phân phối, thì chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị và tổ chức lấy báo giá.

Nghị quyết cũng cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh…

Bằng những giải pháp mới được nêu trong Nghị định số 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP, những khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế của các cơ sở y tế cơ bản được tháo gỡ.

Các bộ, ngành liên quan như y tế, kế hoạch và đầu tư, tài chính cần tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về các vấn đề liên quan theo đúng lộ trình mà Nghị quyết đã nêu ra.

Tuy nhiên, Nghị quyết 30/NQ-CP chỉ là giải pháp trước mắt, cho nên các bộ, ngành liên quan như y tế, kế hoạch và đầu tư, tài chính cần tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về các vấn đề liên quan theo đúng lộ trình mà Nghị quyết đã nêu ra.

Bộ Y tế cần sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, cấp địa phương bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức đấu thầu của từng cấp và khả năng cung ứng của doanh nghiệp để cung ứng đủ, kịp thời thuốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung; xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng…

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư khẩn trương hướng dẫn kịp thời, cụ thể các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong dự án Luật Ðấu thầu bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành y tế.

Bộ Tài chính có trách nhiệm khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.

Thực tiễn sẽ tiếp tục kiểm nghiệm và điều chỉnh chính sách. Phát hiện trúng, đúng và mạnh dạn tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế là việc cần làm, nhưng không phải một lúc giải quyết ngay được các ách tắc trong vòng "một nốt nhạc".

Tâm lý sợ làm sai, sợ vướng pháp luật, thà "bị kỷ luật còn hơn đứng trước vòng móng ngựa" của một số cán bộ, công chức trong ngành cũng là một thực tế phải đối mặt và khắc phục, bên cạnh chủ trương phải ủng hộ, bảo vệ sự năng động, dám nghĩ dám làm vì cái chung, khách quan vô tư vì lợi ích nhân dân và không trục lợi.

Các nghị quyết là chỗ dựa quan trọng, nhưng để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, hơn lúc nào hết, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tăng cường trách nhiệm, tính chủ động lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu và triển khai các giải pháp để có đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Việc mua sắm cần bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

MINH HOÀNG



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE