You are here

Gần 112 triệu trường hợp mắc Covid-19 trên toàn cầu

Tính đến 6h ngày 22-2, toàn thế giới có 111.931.535 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.477.282 trường hợp tử vong và 87.189.014 bệnh nhân đã hồi phục.

Châu Âu

Ngày 21-2, Thị trưởng Christian Estrosi của thành phố Nice thuộc miền Nam nước Pháp đã kêu gọi đóng cửa khu vực này vào dịp cuối tuần để giảm lượng khách du lịch, trong bối cảnh thành phố phải đối mặt với tình trạng mắc Covid-19 gia tăng đột ngột, gấp 3 lần tỷ lệ trung bình trên toàn quốc. Nice hiện là khu vực có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao nhất tại Pháp, với 740 ca nhiễm mới mỗi tuần trên 100.000 dân.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, chính phủ nước này cần phân tích dữ liệu và cảnh giác trước biến chủng mới lần đầu được phát hiện tại Brazil và Nam Phi, khi bắt đầu nới lỏng đợt phong tỏa do đại dịch Covid-19. Đây là việc làm cần thiết nhằm cho thấy rõ tác động của các bước đi mà chính phủ đang thực hiện, từ đó giúp cung cấp một lộ trình rõ ràng cho người dân.

Giới chức Tây Ban Nha ngày 21-2 cho biết, chỉ trong hai ngày 19 và 20-2, cảnh sát thủ đô Madrid đã phát hiện 227 bữa tiệc được tổ chức bất hợp pháp, vi phạm các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch. Những người tham gia các bữa tiệc này đã không tuân thủ lệnh giới nghiêm, không đeo khẩu trang hoặc không có bất kỳ biện pháp phòng dịch nào.

Madrid hiện là thành phố có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao nhất ở Tây Ban Nha trong vòng 2 tuần qua, với số ca mắc trên 100.000 dân là 427 trường hợp, trong khi tỷ lệ này trên phạm vi cả nước là 294 trường hợp.

Châu Á - châu Đại Dương

Ngày 21-2, Israel đã mở cửa trở lại nền kinh tế, bao gồm nối lại hoạt động của các trung tâm thương mại và các cơ sở giải trí, trong bối cảnh chính phủ nước này tuyên bố bắt đầu đưa cuộc sống trở lại bình thường khi gần một nửa dân số đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Các cửa hàng đã được mở cửa trở lại cho tất cả người dân. Tuy nhiên, việc tới các phòng tập thể hình, khách sạn, nhà hát, rạp chiếu phim chỉ dành cho những người có “thẻ xanh” - những người đã được tiêm cả 2 liều vắc xin tại thời điểm trước đó hơn 1 tuần và những bệnh nhân đã khỏi bệnh được cho là có khả năng miễn dịch.

Theo Reuters, với tư cách nước chủ nhà và là một trong những nước thành công nhất trong việc kiểm soát đại dịch, New Zealand sẽ đưa vấn đề tiếp cận toàn cầu đối với vắc xin ngừa Covid-19 ra thảo luận tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây là động thái nhằm hướng tới việc loại bỏ thuế quan đối với những hàng hóa cần thiết để phòng, chống dịch Covid-19, trong bối cảnh gia tăng lo ngại về việc các nước kém phát triển hơn có thể bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực tiêm chủng.

Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại New Zealand Vangelis Vitalis, người chủ trì Hội nghị các quan chức cấp cao APEC 2021 cho biết: “Thông điệp của chúng tôi là, để đối phó với đại dịch toàn cầu hiện nay, chúng ta cần sự tham gia nhiều hơn ở cấp độ toàn cầu. Thương mại sẽ không giải quyết được khủng hoảng, song các biện pháp thương mại sẽ giúp ích cho cuộc chiến phòng, chống đại dịch”.

New Zealand đã đề xuất các lô hàng giữa 21 thành viên APEC, gồm thuốc men, thiết bị y tế và phẫu thuật, sản phẩm sát khuẩn trở thành những loại hàng hóa được miễn thuế và nới lỏng các hạn chế khác đối với việc vận chuyển hàng hóa này qua biên giới.

Châu Phi

Ngày 21-2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi Tanzania chia sẻ thông tin về các biện pháp phòng, chống đại dịch. Hôm 12-2, một phát ngôn viên của Chính phủ Tanzania tuyên bố nước này đã kiểm soát được đợt bùng phát dịch Covid-19, song quốc gia Đông Phi đã ngừng báo cáo số ca nhiễm mới và tử vong kể từ tháng 5 năm ngoái.

Quan chức WHO cũng lặp lại yêu cầu với người đứng đầu WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti vào cuối tháng 1 về việc hỗ trợ Tanzania tăng cường các biện pháp y tế công cộng nhằm chống lại đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho việc phân phối vắc xin.

Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho biết, người dân nước này có thể bắt đầu đăng ký tiêm vắc xin ngừa Covid-19 từ tuần này. Đây là bước đi tiếp theo trong chiến dịch tiêm chủng ngừa đại dịch của quốc gia Bắc Phi.

Theo người đứng đầu ngành Y tế Ai Cập, việc tiêm vắc xin sẽ được ưu tiên cho người cao tuổi và người mắc các bệnh nền mạn tính. Trước đó, nước này đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 vào cuối tháng 1 bằng vắc xin của hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) với đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế tuyến đầu.

Cũng theo bà H.Zayed, Ai Cập sắp nhận được một lô hàng lớn vắc xin từ hãng Sinopharm và sẽ nhận được tổng cộng 8,6 triệu liều vắc xin do hãng dược AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) phát triển vào cuối tháng này.

Theo Hà Nội Mới



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE