You are here

Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Thị trường lớn khó khai thác

Số lao động phi chính thức tham gia đóng bảo hiểm xã hội quá ít sẽ trở thành gánh nặng của ngân sách khi họ về già.

Người dân so sánh, khi tham gia BHXH bắt buộc được hưởng thêm 5 chế độ ngắn hạn, còn BHXH tự nguyện chỉ hưởng 2 chế độ

Đi tìm nguyên nhân khó mở rộng

Lần đầu tiên, Tổng cục Thống kê và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILLSA) có báo cáo về việc làm phi chính thức, với 18 triệu lao động đang làm việc ở các nhóm nghề công nghiệp chế biến - chế tạo, xây dựng, bán buôn bán lẻ và sửa chữa ô tô, mô tô xe máy.

Báo cáo này cũng cho thấy,   đến hết tháng 9/2017, số người tham gia BHXH tự nguyện là 243.000 người, nhưng trong số này có hơn 60% lao động đã tham gia BHXH bắt buộc và đóng tiếp để đủ thời gian hưởng hưu trí.  Quan trong hơn, 98% lao động phi chính thức hiện nay không được đóng bảo hiểm xã hội.

Nguyên nhân của việc chưa khai thác triệt để thị trường từ khu vực phi chính thức được hé lộ qua khảo sát về lao động phi chính thức tại Hà Nội và Nghệ An do ILLSA phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện mới đây. Theo kết quả khảo sát, có tới 41,1% số lao động phi chính thức chưa (hoặc không) biết đến BHXH tự nguyện, 20,6% mới biết tên chính sách, 25% biết sơ qua và chỉ có 13,2% biết rõ thủ tục, đối tượng, mức đóng và mức hưởng….

Bà Trịnh Thu Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dân số Lao động Việc làm (thuộc ILLSA) cho biết, khi khảo sát về nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện, có tới 35,2% số lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện nhưng mong muốn tham gia; 8,5% số lao động cho biết sẽ tham gia BHXH tự nguyện nếu có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định hợp lý và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của ngành BHXH.

Cụ thể, 80% số người mong muốn giảm thời gian thẩm định, 55% mong muốn thông tin tư vấn rõ ràng.

Tuy nhiên, theo bà Nga vẫn có tới 56,4% số người trả lời sẽ không tham gia BHXH tự nguyện, kể cả có thay đổi về chính sách và tổ chức thực hiện. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật không muốn tham gia BHXH tự nguyện rất cao (62%); trình độ sơ cấp là 67% và đại học 22%.

Một trong những điểm kém hấp dẫn về chính sách theo phân tích của bà Nguyễn Thị Hà, Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) là chính sách BHXH tự nguyện quy định người tham gia chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, bên cạnh đó là sự khác biệt về chế độ thụ hưởng.

“Người dân so sánh, khi tham gia BHXH bắt buộc được hưởng thêm 5 chế độ ngắn hạn, còn BHXH tự nguyện chỉ hưởng 2 chế độ. Trong thực tế, nhiều khi, chế độ ngắn hạn có thể hỗ trợ tốt hơn cho lao động khi phải vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống”, bà Hà nói.

Giải pháp để hấp dẫn người tham gia

Ông Phillippe Marcadent, Giám đốc Chương trình Việc làm phi chính thức của ILO khẳng định, tình trạng khó mở rộng BHXH tự nguyện đang là thách thức của rất nhiều quốc gia đã trên thế giới.

Những rào cản mở rộng được ông Marcadent chỉ ra là: chính sách không bao phủ; thiếu thông tin, nhận thức và niềm tin; lợi ích không phù hợp với nhu cầu và ưu tiên; năng lực đóng góp hạn chế; thu xếp tài chính không đầy đủ; dịch vụ và quy trình hành chính phức tạp, cồng kềnh; thực thi yếu, tuân thủ kém và thiếu tính đại diện, tính tổ chức.

Ông Marcadent cũng dẫn chứng hàng loạt các quốc gia thành công khi giải quyết các rào cản tài chính thông qua ủy nhiệm thu nhập như lương hưu nông thôn tại Brazil; đóng thuế và đóng bảo hiểm đơn giản cùng cơ chế đóng thuế (Argentina, Brazil, Uruguay).

Tại Việt Nam, chính sách thu hút BHXH tự nguyện được điều chỉnh cho phép người lao động có thể lựa chọn mức đóng linh hoạt, trong đó 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn. Mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Phương thức đóng cũng được quy định linh hoạt, 3/6/12 tháng hay đóng một lần cho nhiều năm về sau, một lần cho những năm còn thiếu.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, bắt đầu từ năm 2018, để khuyến khích người dân tham gia, Nhà nước sẽ  hỗ trợ dựa trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn: Hộ nghèo được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% mức đóng và 10% đối với những nhóm đối tượng còn lại khi tham gia BHXH tự nguyện.

“Quan điểm của tôi là, càng đầu tư cho người dân thì khi về già, lương hưu của họ sẽ làm giảm gánh nặng cho các khoản trợ cấp từ ngân sách. So sánh giữa việc hỗ trợ đơn thuần cho người cao tuổi và việc Nhà nước hỗ trợ và người dân đóng góp để  đảm bảo an sinh cho họ, thì hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện là một chính sách hay. Do vậy, nếu Nhà nước tạo được một quỹ đủ lớn để đảm bảo có mức hỗ trợ lớn hơn đối với người tham gia BHXH tự nguyện sẽ tạo được cú huých, cuốn hút người dân tham gia”, ông Thọ nói.

Trong khi đó theo bà Nga, các cơ quan liên quan nên nghiên cứu những đề xuất liên quan tới bổ sung các chế độ của BHXH tự nguyện đầy đủ như BHXH bắt buộc là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… nghiên cứu giảm số năm đóng (có thể tối thiểu 15 năm), trong đó, chia theo nhóm tuổi và theo nghề, bởi một số nghề nặng nhọc, độc hại có thể xem xét số năm đóng ít hơn; đổi mới và mở rộng hệ thống mạng lưới thu BHXH tự nguyện qua bưu điện, ngân hàng (e-banking)…

 

Theo Báo Bizlive



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE