You are here

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia và xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Tại lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) chiều 28-3-1959, tại Câu lạc bộ quân nhân Hà Nội, Bác Hồ đã đến dự và giao nhiệm vụ cho toàn lực lượng. Người dạy: “Thành lập được lực lượng CANDVT là một thành công về đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa Bộ đội và Công an. Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức phát huy ưu điểm, khắc phục những tư tưởng không đúng. CANDVT hay Quân đội cũng thế, phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng từ trên xuống dưới. Nhất định phải như thế”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người cha của các lực lượng vũ trang nhân dân... Nghiên cứu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã toát lên tư duy mẫn tiệp về đấu tranh cách mạng, con đường giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt, Người đã ý thức rất sâu sắc về giá trị to lớn, ý nghĩa vĩ đại của vấn đề “tự do, độc lập” cho dân tộc - chủ quyền quốc gia. Ngay trong bài trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài ngày 21-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Sự ham muốn tột bậc của Người là làm sao cho đất nước “được hoàn toàn độc lập”, nhân dân “được hoàn toàn” tự do đã thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vượt trùng dương đi tìm đường cứu nước... Người đã phải trải qua biết bao khó khăn, nguy hiểm và tù đày khắc nghiệt nhưng vẫn một tinh thần lạc quan cách mạng, chan chứa niềm tin vào một tương lai tươi sáng vì lý tưởng cao cả là đem lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy sự thấu hiểu nỗi khát vọng của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh suốt 80 năm chống lại ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, phong kiến để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Sự ham muốn tột bậc đó không chỉ xuất phát từ tình cảm vì nước, vì dân, mà còn là mục tiêu hành động nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Trong lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước (17-7-1966), Hồ Chủ tịch viết: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; bởi vì Người đã lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị rên xiết dưới gót giày của bọn thực dân xâm lược nên rất thấu hiểu giá trị quý báu của sự độc lập và tự do. Vì vậy, Người muốn nhắc nhở mọi người hãy giữ vững nền “độc lập, tự do” cho dân tộc, không để đất nước một lần nữa bị đô hộ...

Tuy nhiên, vấn đề “tự do, độc lập” dân tộc theo tư tưởng của Người không chỉ mang ý nghĩa thông thường, mà còn thể hiện ở cả khía cạnh chính trị - pháp lý quốc tế sâu sắc. Theo Người, “độc lập, tự do” là nói đến quyền của mọi quốc gia, dân tộc trên con đường đấu tranh giành tự do, độc lập dân tộc. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên khi trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài năm 1946, Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã nhắc đi, nhắc lại cụm từ là làm sao cho nước ta “được hoàn toàn độc lập”, dân ta “được hoàn toàn tự do” - tức là, Việt Nam phải là một quốc gia độc lập, có chủ quyền...

Chủ quyền của quốc gia trong quan hệ với nhau đồng nghĩa với sự độc lập của quốc gia đó. Nói cách khác, chủ quyền là một đảm bảo chắc chắn cho độc lập của quốc gia, nó không cho phép xây dựng một quyền lực cao hơn quốc gia. Với tư cách là chủ thể của Luật Quốc tế, Việt Nam có quyền tối cao trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế... Tôn trọng chủ quyền của quốc gia khác là nghĩa vụ bắt buộc và vô điều kiện. Tôn trọng chủ quyền quốc gia có nghĩa là tôn trọng quyền của mỗi quốc gia tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế - xã hội; tôn trọng sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Với nhận thức chủ quyền lãnh thổ là một bộ phận của chủ quyền quốc gia, mỗi quốc gia có quyền xác định quy chế pháp lý đối với lãnh thổ của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo Luật Quốc tế hiện đại, lãnh thổ quốc gia thuộc chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của quốc gia. Chủ quyền lãnh thổ là quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ và trên lãnh thổ.

Pháp luật quốc tế đã xây dựng các nguyên tắc xác nhận và đảm bảo cho quốc gia thực hiện chủ quyền của mình bằng việc chiếm hữu thực sự, liên tục và hoà bình. Quyền lực Nhà nước trong phạm vi lãnh thổ thống nhất, toàn diện và bất khả xâm phạm. Nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế hiện đại. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và nhiều văn bản pháp lý quốc tế quan trọng khác. Để bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình, quốc gia có quyền thực hiện các biện pháp phòng thủ để bảo vệ, giữ gìn lãnh thổ trước sự vi phạm và tấn công từ bên ngoài...

Sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới, bờ biển, hải đảo, giới tuyến quân sự tạm thời. Bộ Quốc phòng đã triển khai các đơn vị quân đội bảo vệ các tuyến biên giới, bờ biển và giới tuyến quân sự tạm thời và Bộ Công an triển khai các đồn Công an Biên phòng trên các cửa khẩu biên giới, cửa sông, cảng biển để quản lý việc ra vào biên giới, bờ biển.

Qua 6 năm thực hiện cho thấy, việc tổ chức và bố trí lực lượng bảo vệ biên giới là chưa hợp lý, chỉ đạo chưa thống nhất, phối hợp chưa chặt chẽ, công tác bảo vệ biên giới còn nhiều sơ hở, chồng chéo, kẻ địch có thể lợi dụng để phá hoại ta. Theo đề nghị của Tổng Quân ủy và Đảng đoàn Bộ Công an, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã cho ý kiến chỉ đạo: “Nhiệm vụ Biên phòng từ nay sẽ thống nhất giao cho một lực lượng chuyên trách đảm bảo cả 3 mặt công tác, quản lý và kiểm soát hành chính, trinh sát bí mật, tuần tra vũ trang để bảo vệ biên giới”.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Đảng đoàn Bộ Công an đã giao cho Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo xây dựng “Đề án Tổ chức lực lượng bảo vệ biên cương và nội địa”... Ngày 12-8-1958, bản dự thảo Đề án được trình lên Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt, Bác đã cho ý kiến và sửa trực tiếp vào văn bản. Ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã họp ra Nghị quyết 58/NQ-TƯ về việc “Xây dựng lực lượng cảnh vệ biên cương và nội địa”.

Bộ Chính trị quyết định thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến và lực lượng Công an Biên phòng đang làm nhiệm vụ kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới, hải cảng và lực lượng cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước chuyên trách công tác bảo vệ nội địa và biên phòng giao cho Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo, lấy tên là Lực lượng Cảnh vệ (sau đổi là Lực lượng CANDVT và nay là BĐBP). Thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 100/TTg về việc thành lập lực lượng CANDVT...

Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một lực lượng vũ trang chính quy, tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở theo một hệ thống dọc 3 cấp: Ở Trung ương có Ban Chỉ huy CANDVT Trung ương (tháng 6-1961 đổi thành Bộ Tư lệnh CANDVT); cấp tỉnh, thành có Ban Chỉ huy CANDVT; cấp cơ sở có đồn, trạm và đơn vị cơ động, ở tuyến bờ biển còn tổ chức các đơn vị thủy đội biên phòng.

Tại lễ thành lập lực lượng CANDVT, Bác Hồ căn dặn: CANDVT phải luôn luôn giúp đỡ, tổ chức, giáo dục nhân dân làm cho mọi người dân đều là người giúp việc của mình như thế mới có kết quả; nhất là ở nơi đồng bào thiểu số, phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ, giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, mến phục cán bộ thì đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cả cho ta...

Kết thúc bài nói chuyện, Bác không quên tóm tắt lời dạy bằng mấy câu văn vần để cán bộ, chiến sĩ dễ nhớ. Lời thơ đó đã trở thành phương châm tư tưởng và hành động của toàn lực lượng CANDVT:

“Đoàn kết, cảnh giác

Liêm chính, kiệm cần

Hoàn thành nhiệm vụ

Khắc phục khó khăn

Dũng cảm trước địch

Vì nước quên thân

Trung thành với Đảng

Tận tụy với dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những ý thức rất sâu sắc về chủ quyền quốc gia, mà Người còn rất coi trọng công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách công tác đặc biệt quan trọng này. Vì vậy, Người thường xuyên quan tâm theo dõi, động viên và định hướng nhiệm vụ cho toàn lực lượng.

Tại Đại hội thi đua CANDVT lần thứ nhất (1962), thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác đã đến dự và động viên cán bộ, chiến sĩ. Người đã ân cần căn dặn và chia sẻ: Đại bộ phận các chú công tác ngoài đảo, ở biên giới, xa đồng bằng, xa thành phố nên Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác rất quan tâm đến các chú... Cuối cùng, Bác tặng mấy vần thơ:

“Non xanh nước biếc trùng trùng

Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao

Núi cao, sự nghiệp càng cao

Biển sâu, chí khí ta so vào càng sâu

Thi đua ta quyết giật cờ đầu...”.

Lời Bác dạy là khúc quân hành suốt chiều dài lịch sử bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia; đặc biệt, là kim chỉ nam cho hoạt động xây dựng, chiến đấu và từng bước trưởng thành của lực lượng BĐBP (trước kia là CANDVT) suốt 60 năm qua.

Đại tá, PGS, TS Phạm Công Chiển

Theo Báo Biên phòng



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE