You are here

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển

Một trong ba đột phá chiến lược nêu tại Dự thảo là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa. 

Tại Hội nghị Trung ương 14 vừa qua, Trung ương đã thảo luận và thông qua lần cuối Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Một trong ba đột phá chiến lược nêu tại Dự thảo là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp

Theo PGS-TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu 12 định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030. Định hướng thứ 2 về phát triển kinh tế xác định: hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Một trong 10 sự kiện nổi bật của Quốc hội Việt Nam năm 2020

Đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được đánh giá là một trong 10 sự kiện nổi bật của Quốc hội Việt Nam năm 2020.
Điểm lại sự kiện này, Văn phòng Quốc hội khái quát: với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ và đồng thuận cao, đã có 145 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc các dự thảo được chuẩn bị công phu, chặt chẽ, thận trọng, kỹ lưỡng, nghiêm túc, có cách làm mới; kết cấu, bố cục bảo đảm khoa học, chặt chẽ, logic; từ ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; nội dung khái quát cao, thể hiện được vấn đề cốt lõi, mang tính thời đại, kết tinh trí tuệ tập thể, bảo đảm hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, giữa tinh thần kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã góp ý, đề xuất nhiều giải pháp đột phá, làm sâu sắc thêm nhiều nội dung và kiến nghị thiết thực, thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, toàn diện trong việc thảo luận, góp ý kiến. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội được Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao và đã tiếp thu nhiều nội dung để bổ sung, hoàn thiện các văn kiện của Đại hội XIII.

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, một trong những hạn chế được nêu tại Dự thảo Báo cáo chính trị là: thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ; năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế, chất lượng luật pháp và chính sách còn thấp.

PGS-TS. Nguyễn Viết Thông cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã nêu yêu cầu thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dự thảo nêu rõ, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Theo Dự thảo Báo cáo chính trị, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Với các đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng), ông Nguyễn Viết Thông cho rằng, về thể chế, Dự thảo Báo cáo chính trị đã mở rộng phạm vi thành thể chế phát triển trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Thay đổi tư duy để tạo đột phá

Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển - khâu đột phá chiến lược đầu tiên cũng là vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội đương nhiệm rất quan tâm.

Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng, đột phá thể chế là cần thay đổi tư duy, cách xây dựng thể chế. Tham gia Quốc hội cả nhiệm kỳ XIII và XIV, ông Ngân đánh giá, thời gian qua, đã có nhiều luật được ban hành, nhưng tính ổn định chưa cao, thường xuyên phải sửa đổi.

“Dự thảo văn kiện đánh giá là, chất lượng thể chế còn hạn chế, tôi đồng tình, dù nhiệm kỳ qua, Quốc hội cũng đã nỗ lực thực hiện hoàn thiện thể chế, số lượng luật được ban hành rất lớn”, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) nhìn nhận.

Cũng đặc biệt quan tâm đến xây dựng thể chế, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ngay đầu nhiệm kỳ mới, cần đặc biệt quan tâm đến việc sửa Luật Đất đai - một đạo luật rất quan trọng, tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế  - xã hội và đời sống nhân dân. Và để đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cũng cần sớm sửa đổi.

Bàn về giải pháp để tiếp tục hoàn thiện thể chế sau khi những định hướng lớn được thông qua tại Đại hội XIII, là đại biểu chính thức dự Đại hội, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, cần có bước đột phá trong công tác xây dựng pháp luật. Muốn vậy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV cần lựa chọn được đủ 500 đại biểu có đủ trí tuệ, bản lĩnh, năng lực đại diện cho nhân dân ở cơ quan đại biểu cao nhất, chọn đủ số lượng đại biểu chuyên trách theo quy định của luật (tối thiểu là 40%, tăng 5% so với khoá XIV).

Tiếp đó, theo ông Đồng, có thể chưa phải là ngay trong nhiệm kỳ này, nhưng cũng phải tính tới chuyển toàn bộ công việc xây dựng luật sang cơ quan lập pháp, nghĩa là Quốc hội có bộ phận chuyên trách soạn thảo luật, để đảm bảo tính độc lập và sự chuyên nghiệp.

Tại nhiệm kỳ XIV của Quốc hội, dù không nhiều, nhưng vẫn có những dự án luật khi trình ra không được đa số đại biểu Quốc hội chấp nhận, có những dự án luật mà quá trình hoàn thiện rất chật vật vì quan điểm khác nhau giữa các bộ, ngành. Ông Đồng nhìn nhận, tình trạng này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu công việc soạn thảo luật không gần như phó mặc cho các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo như hiện nay.

Theo TS. Trần Hoàng Ngân, các khâu làm luật của Quốc hội đang dựa quá nhiều vào Chính phủ. Nhấn mạnh Quốc hội còn thiếu đầu tư cho công việc này, đại biểu Ngân cho rằng, cơ quan lập pháp cần có những ban soạn thảo luật, tăng đại biểu chuyên trách, thêm cơ chế mời chuyên gia, loại bỏ lợi ích nhóm trong làm luật thì mới có thể thực sự tạo đột phá trong thể chế thời gian tới.

Liên quan đến chống tham nhũng chính sách, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Trường Giang, mỗi đại biểu Quốc hội phải đặt mình vào vị trí của cử tri, nhân dân để phát hiện những nội dung có “cài cắm” lợi ích nhóm, từ đó góp ý, phản biện. Nếu mỗi đại biểu và các cơ quan của Quốc hội phát huy hết trách nhiệm của mình, thì sẽ hạn chế tối đa sự “cài cắm” này.

Chẳng hạn, về thẩm quyền của các bộ, hiện nay, theo luật là do Chính phủ quyết định bằng các nghị định, nên trong các dự án luật, nếu luật hoá thẩm quyền này, thì phải trên cơ sở phân công của Chính phủ. Ông Giang bày tỏ, quy trình rất quan trọng trong xây dựng luật là thẩm tra và thẩm định, đánh giá các thủ tục hành chính trong các dự án luật thì các cơ quan phải rà soát để hạn chế tối đa.

Theo Báo Đâu tư

 



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE