You are here
Cố vấn Lê Đức Thọ và cuộc đàm phán lịch sử
Nửa đầu năm 1968, khi đang có mặt ở chiến trường miền Nam với trọng trách Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ được Bác Hồ và Trung ương gọi gấp về Hà Nội, để chuẩn bị sang Paris đảm đương sứ mệnh Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp đàm phán với đại diện Hoa Kỳ, về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Giữ vai trò cố vấn, nhưng trên thực tế, đồng chí Lê Đức Thọ là “linh hồn” của phái đoàn ta, do cương vị và nhiệm vụ được trực tiếp Bộ Chính trị và Bác Hồ giao phó.
Trong lá thư viết tay gửi Bộ Chính trị, Bác Hồ ghi rõ: “… Anh Sáu (đồng chí Lê Đức Thọ - PV) nên về ngay (trước tháng 5) để tham gia phái đoàn ta đi gặp đại biểu Mỹ”. Đây là sự lựa chọn đầy sáng suốt, bởi đồng chí Lê Đức Thọ là một nhà cách mạng kiên định, có bản lĩnh vững vàng và tầm nhìn chiến lược. Cùng với việc cử đồng chí Lê Đức Thọ làm cố vấn đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ký sắc lệnh phân công đồng chí Xuân Thuỷ làm Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ ta tại Hội nghị Paris.
Cái bắt tay lịch sử giữa Cố vấn Lê Đức Thọ với Cố vấn Henry Kissinger sau khi ký Hiệp định Paris.
Ảnh: washingtonpost.com
Trước ngày đoàn ta lên đường sang Paris gặp đoàn Mỹ, đồng chí Lê Đức Thọ đã họp với đoàn và nhấn mạnh yêu cầu tranh thủ sự ủng hộ quốc tế: Muốn tranh thủ dư luận tốt, lí lẽ của ta phải thật sắc bén, có sức thuyết phục, nhằm vào các vấn đề lớn, xoáy vào yêu cầu chủ yếu là đòi chấm dứt vô điều kiện ném bom miền Bắc. Nhiệm vụ chính là phục vụ chiến trường, thăm dò ý đồ của Mỹ chưa phải đi vào giải pháp.
Nhớ về đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (tại Hội nghị Paris là Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) khẳng định: Anh Lê Đức Thọ cho rằng trên bàn đàm phán, ta không thể giành được cái mà trên chiến trường ta không giành được. Kết quả đàm phán tuỳ thuộc trước hết vào tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Tài trí ngoại giao không thể thay thế cho thực lực, nó chỉ góp một phần, thậm chí một phần quan trọng làm tăng thêm thực lực.
Cùng với anh Xuân Thủy, anh Lê Đức Thọ thường xuyên trang bị những kiến thức cần thiết cho đội ngũ những nhà đàm phán của ta ở Paris. Hai anh giữ mối liên hệ chặt chẽ với Hà Nội, trực tiếp báo cáo tình hình cuộc đàm phán, nêu lên các sáng kiến và tiếp nhận những chỉ thị của Bộ Chính trị để tiến hành đàm phán…
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, khi nhớ về đồng chí Lê Đức Thọ, đã khẳng định: Lê Đức Thọ trong suốt gần 5 năm đàm phán ở Paris, ông được ví như vị tướng ngoài biên ải. Ông thực hiện rất nghiêm túc đường lối chiến lược trong đàm phán mà Bác Hồ đã trực tiếp căn dặn và những chủ trương của Bộ Chính trị đã đề ra. Nhưng phần đóng góp của cá nhân ông thật là to lớn. Ông đã có sự vận dụng sáng tạo, luôn luôn giành thế chủ động tấn công, buộc đối phương phải đi vào đàm phán theo cách của mình. Đã có lúc, H.Kissinger phải thốt lên: “Tôi có thể làm tốt hơn nếu như đối diện trên bàn đàm phán không phải là ông Lê Đức Thọ!”.
Trong tháng 10-1972, nội dung cơ bản Dự thảo Hiệp định Paris đã được các bên liên quan thống nhất. Đoàn ta và đoàn Hoa Kỳ cũng dự kiến ngày kí chính thức là 25 hoặc 26-10-1972... Nội dung cơ bản của hiệp định có những vấn đề cơ bản là: Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu; triệt thoái hết các căn cứ quân sự Hoa Kỳ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam; Các bên để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do; Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và 3 lực lượng chính trị…
Tuy nhiên, là một đế quốc hùng mạnh, Mỹ không dễ dàng chấp nhận thua thiệt trong đàm phán và cũng không muốn “bỏ rơi” chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Họ tìm cớ trì hoãn việc kí kết bằng cách đưa ra những đòi hỏi khó chấp nhận đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Đến ngày 20-11-1972, Cố vấn H.Kissinger đề nghị sửa đổi 69 điểm trong bản dự thảo Hiệp định, theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn, trong đó có đòi hỏi quân đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Những ngày sau H.Kissinger liên tiếp đưa ra những đòi hỏi vô lí và ngày 23-11-1972, khi gặp Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, ông ta đã đọc bức điện của Nixon ngầm đe dọa ngừng đàm phán, ném bom trở lại… Tuy nhiên Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã khảng khái đáp lại: “Chúng tôi đã đánh nhau với các ông mười mấy năm và cũng đã đàm phán 5 năm rồi. Nay các ông có sẵn sàng mới đi đến giải quyết; không thể dùng đe dọa với chúng tôi được đâu”.
Trước thái độ của phía Mỹ, đồng chí Lê Đức Thọ đã nhận định bằng hai câu thơ: “Dằn lòng chờ đợi ít lâu/Chầy ra thì cũng năm sau vội gì”. Thực tế diễn ra đúng như vậy. Sau khi cuộc đàm phán tạm thời bế tắc, đồng chí Lê Đức Thọ rời Paris vừa về đến Hà Nội thì Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh khai màn Chiến dịch Linebaker II hòng san phẳng thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, buộc ta phải kí kết Hiệp định Paris theo những điều kiện của họ. Tuy nhiên, với thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ trên không, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom và đề nghị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nối lại đàm phán.
Trở lại Paris, trong cuộc họp với phía Mỹ ngày 8-1-1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã nghiêm khắc lên án phía Mỹ gây ra đợt ném bom huỷ diệt trong mùa Noel năm 1972… Sau gần một tháng nối lại đàm phán, ngày 23-1-1973, hai bên đạt được thoả thuận cuối cùng và kí tắt Hiệp định và 4 Nghị định thư. Đến ngày 27-1-1973, bốn ngoại trưởng của bốn bên, gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã kí chính thức Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973, kết thúc cuộc đàm phán lịch sử kéo dài 5 năm và đầy kịch tính./.
Theo Báo Công an Nhân dân