You are here

Sự phục hưng của văn hóa truyền thống hay phong trào nhất thời của giới trẻ?

Thời gian gần đây, áo dài ngũ thân đang dần trở nên phổ biến bằng sự xuất hiện nhiều nhóm hội cổ phục cũng như sự phát triển của một số bộ phim cổ trang gây tiếng vang

Thậm chí, thời gian vừa qua, mạng xã hội cũng bùng nổ khi có nhiều ý kiến xoay quanh một đơn vị hành chính nhà nước sử dụng áo dài ngũ thân làm đồng phục bắt buộc của công chức tại đơn vị hay việc một vị đại biểu đã đề nghị đưa áo dài ngũ thân dành cho nam trở thành Quốc phục thay cho Comple như hiện tại. Nhưng thật sự việc áo dài ngũ thân có làm sống lại bản sắc văn hóa hay chỉ là trào lưu nhất thời?

Cổ phục – giấc mơ có thật?

Áo dài ngày nay có tiền thân từ áo ngũ thân tay chẽn được định hình từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765). Trải qua bao biến cố lịch sử, đã có những thời điểm Áo Nhật Bình và áo dài ngũ thân bị coi là biểu tượng của chế độ phong kiến nên dần mai một trong nhân gian. 

Duy chỉ có áo dài ngũ thân nữ được cách tân thành áo dài hai tà và vẫn được phổ biến cho tới thời điểm hiện tại. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các bạn trẻ đã dần tìm trở lại những văn hóa truyền thống. Không khó có thể thấy nhiều bạn trẻ đã bận trên mình những bộ áo dài ngũ thân tay chẽn và Nhật Bình để chụp hình trong cuộc sống đời thường, chụp hình kỷ yếu và thậm chí là chụp hình cưới. 

Chủ nhãn hiệu phục sức cổ phục Nguyên Phong - một bạn trẻ 9X đang sống và làm việc tại Huế, là người gắn bó với cổ phục Việt từ sớm khi phong trào cổ phục còn chưa phát triển, nhiều người còn chưa hiểu về áo dài ngũ thân trăn trở: "Nếu như trước đây nhiều người còn chưa hiểu phục sức cổ phục thì nay các bạn đã quan tâm nhiều hơn và đó là một tín hiệu rất khả quan khi những trang phục của cha ông không còn được thấy trên sân khấu mà còn ứng dụng được cả trong đời sống hiện đại một cách đẹp hơn, sang trọng và phù hợp hơn. Tuy nhiên nếu xu hướng cổ phục phát triển quá nhanh, trong khi bản thân cổ phục có nhiều điểm mang tính kế thừa cao, không thể sáng tạo bừa bãi sẽ dẫn tới mâu thuẫn với thị hiếu của người tiêu dùng, do đó những nhà thiết kế áo dài, nghệ nhân phục sức dễ dàng thỏa hiệp vì bài toán kinh tế khiến sản phẩm làm ra không còn đúng với tinh thần mang tính truyền thống kế thừa ban đầu".Dưới góc nhìn của nhiều nhà thiết kế áo dài hiện đại trong một bài toán về kinh tế thì thị trường cổ phục dường như mới bắt đầu, do đó không có nhiều nhà thiết kế về áo dài nổi tiếng bước vào cuộc chơi này khi mà thị phần khách hàng vẫn còn có những hạn chế nhất định. Trong khi cổ phục Việt còn vắng bóng các nhà thiết kế chuyên nghiệp, thì lại xuất hiện khá nhiều nhà may áo dài ngũ thân và các cửa hàng phục sức cổ xuất hiện với đủ loại giá tiền khác nhau cho các phân khúc tiêu dùng khác nhau.

Ngày càng nhiều nhà may sản xuất ra áo dài ngũ thân dưới danh nghĩa "truyền thống" nhưng lại gắn những phục sức, trang sức của Trung Quốc lên người thay vì phục sức xưa của Việt Nam. Nhiều kiểu dáng áo dài cũng được sáng tạo bởi đội ngũ thiết kế trong khi nền tảng am hiểu về lịch sử vẫn còn chưa vững chắc. Phải nói thêm, áo dài ngũ thân, áo Nhật Bình hay áo tấc là những trang phục mang tính kế thừa cao, do đó cuộc đua của các nhà may không phải ở việc sáng tạo kiểu dáng mà chính là ở chất liệu và kỹ thuật đường kim mũi chỉ luôn tà.

Viên Hoàng Tuấn – một nghệ nhân về áo ngũ thân chia sẻ: "Hiện nay có quá nhiều nhà may thỏa hiệp với thị hiếu của khách hàng, may bất chấp mặc cho kiểu dáng sai lệch hoàn toàn, miễn là khách hàng yêu thích. Tôi cho rằng đó là một quan điểm hết sức sai lầm. Thợ may không chỉ là người may ra những tấm áo đẹp mà còn phải là người gìn giữ, định hướng cho người mặc rằng đã tìm đến áo ngũ thân thì xin hãy mặc cho đúng, gìn giữ và tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc của ông cha xưa kia. Không nên vì lợi nhuận mà có thể may bất chấp một cách vô tội vạ. Thỏa hiệp với sự cách tân không đúng mực nghĩa là thêm một lần nữa dìm chết tà áo dài của Việt Nam".

Thị trường cổ phục Việt đang rộng mở là vậy, nhu cầu đóng phim quảng cáo về cổ phục cũng ngày một thịnh hành, nhưng điều đáng buồn là các làng nghề của Việt Nam lại ngày càng mai một, vậy nguyên nhân là vì sao?

 

The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn... Lụa the La Khê từng được coi là "tư quý danh hương", với chất vải mong manh, mềm mại, mát rượi, không rạn, không nhăn... Những tấm áo xưa kia đều được may bằng tơ tằm, vải sa… Một số làng nghề xưa chuyên cung cấp vải cho áo dài truyền thống nay cũng thất truyền hoặc thoi thóp. Lụa the La Khê cũng chỉ còn duy nhất 1 nghệ nhân tại Hà Đông còn gìn giữ làm ra bởi đa phần những người thợ đều phải bỏ nghề, sản phẩm là ra dù đẹp nhưng không thể cạnh tranh được trong hoàn cảnh hiện tại. 

 

Các địa điểm xưa kia nổi tiếng về tơ tằm như lụa Mã Châu, lụa Hà Đông cũng đang ngày càng mất đi tính cạnh tranh với sa Hàn Quốc hay lụa Trung Quốc bởi giá thành cao và ít mẫu mã hơn. Chính bởi bài toán kinh tế mà các nhà may đã không thể "bình dân" hóa tà áo dài ngũ thân. Thật đáng buồn khi những mảnh vải may Hanbok của Hàn Quốc giờ được sử dụng thành chất liệu để may ra những chiếc áo ngũ thân, Nhật bình hay áo tấc gắn mác "cao cấp" của Việt Nam trong khi biết bao làng nghề dệt lụa của Việt Nam vẫn bị "bí" đầu ra.

Đã có nhiều đề án phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp được các UBND tỉnh, thành phố các cấp đưa ra nhưng không nhiều làng nghề được hồi sinh bởi có quá nhiều khó khăn. Nhưng nhìn vào bức tranh tổng thể, có thể thấy, sự kết nối giữa văn hóa, du lịch và kinh tế truyền thống địa phương vẫn còn nhiều chênh lệch. 

 

Các khớp nối này hơn ai hết cần được Chính phủ cùng các địa phương triển khai đồng bộ. Một khi đã mang tấm áo ngũ thân tới với cuộc họp đại biểu Quốc hội thì hãy đừng để tiếng nói yếu ớt của một đại biểu Quốc hội chìm trong quên lãng. Nếu gắn kết, tận dụng sức mạnh lan tỏa từ giới trẻ - những thế hệ gìn giữ văn hóa mai sau với bề dày tri thức lịch sử thì không chỉ tạo nên một trào lưu nhất thời của Cổ phục Việt mà còn biến nó thành sức mạnh của văn hóa.

Đối với các cơ quan chức năng, hãy đưa ra những giải pháp để các làng nghề truyền thống được sống lại, được tạo điều kiện vay vốn để sản xuất, được hỗ trợ các sản phẩm đầu ra. Đối với các làng nghề phải tiếp tục đưa ra những mẫu mã và giá thành hợp lý hơn. 

Đối với các nhà may phải có chính kiến và định hướng cho khách hàng khi mặc tấm áo ngũ thân. Còn đối với người tiêu dùng, khi đã mặc tấm áo truyền thống hay làm cho nó trở thành truyền thống nhất có thể, hãy trang bị những kiến thức lịch sử để tự hào được khoác lên mình không chỉ đơn giản là một tấm áo mà còn là một bề dày của văn hóa và tri thức.

Đỗ Lê Phương

 

Theo Người lao động



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE