You are here

Bài dự thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” Vạch trần thủ đoạn của tổ chức “Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam” - Bài 2: Lừa đảo gây quỹ để chống phá đất nước

Tổ chức “Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam” (NLG) đã trở thành “hiện tượng” lôi kéo một bộ phận người Việt Nam tham gia, với những hứa hẹn về sức khỏe, hạnh phúc và cải thiện vận mệnh. Đằng sau vỏ bọc kiến tạo cuộc sống hạnh phúc, tổ chức này thực chất là một ổ nhóm phản động, với những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, dẫn dắt người dân theo con đường lệch lạc nhằm mục đích chống phá chính trị.

Từ thao túng tâm lý đến đe dọa ngầm

Lê Văn Phúc, người đứng đầu NLG đã khéo léo gắn hình ảnh của tổ chức với những giá trị truyền thống như biểu tượng Trống Đồng, thần bí hóa các buổi gặp gỡ để tạo lòng tin trong cộng đồng. Ông ta liên tục sử dụng các biểu tượng văn hóa Việt Nam, làm cho người dân cảm thấy như đang tham gia vào một phong trào văn hóa lành mạnh, chính thống. Tuy nhiên, đây chỉ là “cái mặt nạ” che đậy những hoạt động lừa đảo kinh tế và chống phá đất nước.

Một trong những mánh khóe phổ biến của tổ chức này là hứa hẹn có thể chữa bệnh thông qua “năng lượng tích cực”-một phương pháp hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Những buổi trị liệu này được quảng bá rằng có thể giúp người tham gia cải thiện sức khỏe, chữa lành mọi bệnh tật chỉ qua việc lắng nghe và tiếp nhận năng lượng từ người hướng dẫn. Để thu hút, tổ chức NLG liên tục sử dụng những câu chuyện thành công “dựng sẵn” về những người đã thoát khỏi bệnh tật hiểm nghèo sau khi tham gia các buổi trị liệu. Những câu chuyện này được kể một cách rất chi tiết, với cảm xúc cao độ, khiến người nghe dễ bị xúc động và tin tưởng. Thực tế, đó chỉ là sự dàn dựng hoặc cắt ghép, nhưng lại lôi kéo và chiếm được lòng tin của những người đang yếu đuối, mong muốn tìm cách thoát khỏi nỗi đau và sợ hãi về bệnh tật.

Điển hình là trường hợp một người phụ nữ tên Đặng Vũ Ngọc T (trú tại phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội), xuất hiện trong một chương trình của nhóm NLG diễn ra tại Thái Lan vào tháng 2-2023, được giới thiệu là đã bị liệt suốt hơn chục năm nay và chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn. Tuy nhiên, sau vài ngày được truyền NLG, chị “bất ngờ” đứng lên được và đi quanh sân khấu trong tiếng vỗ tay cổ vũ của hàng nghìn học viên.

Đi đến tận cùng để điều tra, xác minh, chúng tôi được hàng xóm cùng một số người quen biết xác nhận rằng, Đặng Vũ Ngọc T tuy mắc bệnh khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn khi còn trẻ, nhưng nhờ quá trình điều trị y tế lâu dài nên vẫn có thể di chuyển được, thậm chí có lúc tự đi xe đạp được. Khi biết T tham gia “biểu diễn” ở sự kiện trên, một số người còn khuyên nhủ T không nên tiếp tay cho nhóm NLG đi lừa gạt người dân.

Xem những màn kịch như thế, hàng trăm nghìn người đã bị thuyết phục chi ra số tiền không nhỏ để tham gia các khóa học và buổi trị liệu mà tổ chức này tiến hành đều đặn. Họ được hứa hẹn rằng “sức mạnh Trống Đồng” sẽ giúp bản thân khỏe mạnh và thay đổi cuộc đời. Tuy nhiên, không ai khỏi bệnh hay cải thiện được cuộc sống, ngược lại còn lâm vào cảnh kiệt quệ về tài chính vì đã bỏ ra một số tiền lớn cho các liệu pháp vô căn cứ.

Ngoài việc vẽ lên viễn cảnh tốt đẹp về sức khỏe và cuộc sống, NLG còn khéo léo thao túng tâm lý người tham gia bằng cách đe dọa ngầm. Các bài nói chuyện của Lê Văn Phúc thường ẩn chứa thông điệp rằng những ai từ chối năng lượng của tổ chức sẽ gặp nhiều tai ương, đau khổ hoặc bị rủa sả. Ông ta nhấn mạnh việc từ chối tham gia là “bước ra khỏi ánh sáng”, khiến những người trong cuộc tin rằng họ đang được bảo vệ và có thể tránh khỏi những tai ương nếu tiếp tục gắn bó với NLG. Đây là một thủ đoạn thao túng tâm lý tinh vi, khiến những người tham gia luôn cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục trung thành với tổ chức, với NLG. Nỗi sợ bị hủy diệt tinh thần hay gặp phải tai ương được tổ chức gieo rắc một cách có chủ ý, nhằm kiểm soát và duy trì sự phụ thuộc của người tham gia vào các hoạt động do Phúc và tổ chức này thực hiện.

NLG chủ yếu nhắm đến những người mắc bệnh và người cô đơn, thiếu sự gắn kết với gia đình hoặc cộng đồng. Phúc hiểu rằng, những người này dễ bị tác động về mặt tinh thần và vì thế, ông ta tạo ra một môi trường có cảm giác gia đình, tình thân giữa các thành viên để họ thấy mình được yêu thương và thuộc về. Những người tham gia bị cuốn vào các buổi gặp gỡ thường xuyên, nơi họ được khuyến khích chia sẻ những vấn đề riêng tư, thầm kín. Điều này không chỉ giúp tổ chức khai thác thông tin cá nhân của từng người mà còn khiến các thành viên cảm thấy gắn bó sâu sắc với tổ chức. Các hoạt động này, thoạt nhìn giống như một nhóm hỗ trợ tinh thần lành mạnh, nhưng thực chất là cách để tổ chức xây dựng lòng trung thành và phụ thuộc về mặt tinh thần của từng thành viên.

Ngoài việc thao túng tinh thần, tổ chức NLG còn áp dụng nhiều thủ đoạn lừa đảo về tài chính. Người tham gia thường phải đóng tiền cho các buổi “chữa lành năng lượng” hoặc các khóa học dài hạn với số tiền không nhỏ. Tổ chức này còn bày ra nhiều chiêu trò thu phí khác, từ việc bán các vật phẩm chứa năng lượng đến tổ chức các chuyến “hành hương” để “tịnh hóa tinh thần”.

Với thủ đoạn tinh vi và thâm độc, tổ chức NLG không chỉ gây ra những tổn thất cá nhân mà còn phá hủy các mối quan hệ gia đình và cộng đồng. Nhiều gia đình tan vỡ khi một thành viên rơi vào vòng xoáy của NLG, trở nên mù quáng và từ chối lắng nghe ý kiến của người thân. Họ cho rằng tổ chức này mới là gia đình thực sự của mình, dẫn đến sự cô lập và xa lánh với chính gia đình của họ.

Ở phạm vi cộng đồng, NLG đã tạo ra một làn sóng tiêu cực, làm xáo trộn niềm tin và giá trị văn hóa truyền thống. Những người tham gia, sau khi bị cuốn vào tổ chức, trở nên hoang mang, bất mãn và mất niềm tin vào xã hội. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về những ảnh hưởng lâu dài của các tổ chức lợi dụng tín ngưỡng và văn hóa như NLG.

Từng bước cài cắm chiêu bài chống đối chính trị

Khi đã tạo dựng được niềm tin qua các phép trị liệu giả mạo và xây dựng một hệ thống thành viên trung thành, tổ chức NLG bắt đầu chuyển sang một giai đoạn nguy hiểm hơn: Từng bước cài cắm những chiêu bài chống đối chính trị trong các buổi họp mặt và chương trình của mình. Đây là một chiến lược cẩn trọng và có tính toán cao, với những chiêu thức thao túng tinh vi, nhằm dần biến những người tham gia thành công cụ để truyền bá tư tưởng và lập trường của NLG.

Phương pháp đầu tiên để gieo rắc tư tưởng chống đối là thông qua các câu chuyện bất hạnh về xã hội và cuộc sống, được kể lại trong các buổi gặp mặt như ví dụ minh họa cho “nỗi đau khổ” và “bất công” mà con người phải chịu đựng. Các câu chuyện này được kể lại một cách sinh động, thường tập trung vào những tình cảnh bất lợi hoặc thiếu may mắn của người dân lao động, vấn đề khó khăn trong đời sống mà người tham gia dễ đồng cảm. Những câu chuyện này được tổ chức dàn dựng hoặc phóng đại để tạo cảm giác rằng những bất công này là do xã hội lỗi thời và chậm phát triển gây ra, một xã hội không còn đáng để tin tưởng. NLG khéo léo lồng ghép các chi tiết ám chỉ rằng chính quyền, Nhà nước là nguyên nhân sâu xa của những khó khăn này, từ đó gieo vào tâm trí người nghe một hình ảnh tiêu cực về xã hội đương thời.

Kết hợp với các chi tiết cảm động, những người tham gia buổi nói chuyện thường bị thao túng cảm xúc, thấy mình như một nạn nhân của hệ thống và dần dần hình thành quan điểm lệch lạc về Đảng, Nhà nước. Những câu chuyện này không nhằm mục đích giải thích hay giải quyết vấn đề, mà chỉ tập trung đổ lỗi một cách có chủ đích, nhằm khuếch đại cảm giác bất mãn và hoài nghi.

Sau khi đã tạo được nền tảng cảm thông, tổ chức tiến xa hơn bằng việc đưa ra các “phân tích xã hội” mà thực chất là những luận điệu sai lệch về tình hình đất nước. Lê Văn Phúc thường xuyên sử dụng các khái niệm kinh tế, chính trị một cách mập mờ, không chính xác, để người nghe tưởng rằng mình đang tiếp cận được những kiến thức cao siêu mà thực tế là chỉ nhằm đổ lỗi và tạo ấn tượng sai lầm về chính quyền. Ông ta phân tích các chính sách của Nhà nước với giọng điệu đầy phê phán, đưa ra những nhận xét tiêu cực và phóng đại về những vấn đề của đất nước như khoảng cách giàu nghèo, hệ thống y tế, giáo dục... Tổ chức này lồng ghép vào từng luận điểm những chỉ trích ngầm, khiến người nghe dần cảm thấy rằng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bất cập và lỗi thời.

Đặc biệt, Lê Văn Phúc sử dụng phương pháp “bóng gió”-không trực tiếp công kích nhưng ngụ ý rằng chính quyền yếu kém. Những nhận xét kiểu như “xã hội ngày càng suy thoái” hay “giới trẻ mất phương hướng” được cài cắm để người nghe tưởng rằng điều này là lỗi của hệ thống, mà không nhận ra rằng những nhận định đó là không có căn cứ hoặc đã bị thổi phồng để tạo cảm giác bi quan.

Sau khi xây dựng đủ sự hoài nghi, tổ chức NLG chuyển sang một bước tiếp theo: Khuyến khích người tham gia “tự tìm kiếm sự thật” và “tự giải phóng bản thân” khỏi “sự kìm kẹp của hệ thống”. Điều này được thực hiện qua các lời khuyên mà Lê Văn Phúc đưa ra, khuyến khích người tham gia tách rời khỏi tư tưởng truyền thống và hoài nghi tất cả những gì họ từng tin tưởng. 

Tìm cách thâm nhập vào một số buổi họp kín qua Zoom của NLG, chúng tôi thấy tổ chức này thậm chí còn cung cấp những tài liệu, đường link hoặc bài viết trên mạng xã hội có nội dung chống đối hoặc sai lệch về chính trị để người tham gia đọc thêm. Những tài liệu này được truyền tải như “nguồn thông tin độc lập” giúp người nghe “hiểu rõ sự thật”, thực chất là những nội dung có mục đích tuyên truyền tư tưởng phản kháng. Các thành viên được khuyến khích không chia sẻ những tài liệu này với người thân hoặc bạn bè, tạo ra cảm giác “bí mật” và “đặc quyền” khiến họ cảm thấy mình đang tham gia vào một phong trào tinh hoa, giúp bản thân khám phá sự thật mà người khác không biết. Tâm lý ấy khiến các thành viên cảm thấy mình đặc biệt và có trách nhiệm lan truyền tư tưởng này một cách bí mật và kín đáo, dần dần củng cố sự trung thành với tổ chức và xa lánh những người không cùng tư tưởng.

Một khi các thành viên đã bị tiêm nhiễm tư tưởng và bắt đầu lan truyền quan điểm chống đối, tổ chức NLG tiếp tục thúc đẩy họ xa cách với gia đình và cộng đồng tiến bộ. Họ gợi ý rằng gia đình là nơi kìm hãm tư tưởng và những người không cùng lý tưởng sẽ không hiểu mình. Những người không đồng tình với quan điểm của NLG bị gán cho là “kẻ không thức tỉnh”, thậm chí bị xem là “nguy hiểm” đối với tiến trình “giác ngộ” của họ.

Việc gây chia rẽ trong các mối quan hệ gia đình là một thủ đoạn nguy hiểm, khiến những người bị lôi kéo ngày càng chìm sâu vào tư tưởng chống đối. Họ dần tách biệt khỏi những người thân yêu, không còn lắng nghe ý kiến khác biệt và chỉ tin vào NLG. Tâm lý này không chỉ phá hoại mối quan hệ gia đình mà còn cô lập họ, khiến họ trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào NLG. Khi đã đạt đến trạng thái này, họ trở thành những người sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ được tổ chức giao phó, như truyền bá tư tưởng hoặc tham gia vào các hoạt động chống đối một cách công khai hơn.

Sau khi các thành viên đã hoàn toàn bị kiểm soát, tổ chức NLG khuyến khích họ sử dụng mạng xã hội để chia sẻ “sự thật” và lan truyền tư tưởng chống đối. Ban đầu, NLG khuyến khích các thành viên viết bài, đăng tải những thông điệp mang tính hoài nghi và phê phán nhẹ nhàng, để tránh thu hút sự chú ý của gia đình và người thân. Những bài viết này thường sử dụng các từ ngữ trung lập, mập mờ, như “chúng ta cần nhìn lại” hay “tìm kiếm chân lý cho chính mình”. Khi đã quen với việc đăng tải, thành viên được khuyến khích đăng những bài viết mang tính chỉ trích rõ ràng hơn, lan truyền các tài liệu chống đối hoặc thông tin sai lệch.

NLG còn định kỳ tổ chức các buổi hướng dẫn viết bài để bảo đảm rằng bài viết của thành viên đều có cùng một giọng điệu và nội dung, đồng thời tránh bị phát hiện là đang lan truyền thông tin sai lệch. Khi những nội dung này bắt đầu lan rộng, mạng lưới của tổ chức không chỉ dừng ở các thành viên mà còn mở rộng đến bạn bè và người thân của họ, khiến thông điệp của tổ chức lan tỏa một cách âm thầm nhưng rộng khắp trên mạng xã hội.

Mục đích cuối cùng của NLG là không chỉ tạo ra một nhóm người trung thành mà còn biến nhóm này thành một phong trào bí mật, nơi mỗi thành viên đều cảm thấy mình là một phần của điều gì đó lớn lao và quan trọng. Họ được “tẩy não” rằng mình đang là những người tiên phong, dám nghĩ khác biệt và đang góp phần thay đổi xã hội. Cảm giác đặc quyền và “tiến bộ” này khiến các thành viên trở nên mù quáng, sẵn sàng bảo vệ và phục vụ cho tổ chức bằng mọi giá. Họ không còn xem mình là cá nhân độc lập, mà là một phần của “phong trào cách mạng” bí mật, dám đứng lên chống lại các giá trị truyền thống và chính quyền. Với tư tưởng này, các thành viên không chỉ là nạn nhân mà trở thành người phục vụ đắc lực, sẵn sàng lôi kéo thêm người khác vào tổ chức, mở rộng ảnh hưởng của NLG một cách nhanh chóng và khó kiểm soát.

Qua từng bước cài cắm tư tưởng chống đối chính trị một cách có chủ đích và hiểm độc, tổ chức NLG đã dần biến người tham gia thành công cụ phục vụ cho mưu đồ riêng, tạo ra một mạng lưới lôi kéo tinh vi với hệ lụy sâu rộng, không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân mà còn gây xáo trộn cho cả cộng đồng và xã hội.

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

TIN KHÁC ĐÃ ĐĂNG

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE