You are here
4 khung giờ can thiệp nhồi máu cơ tim người bệnh cần lưu ý
Các bác sĩ can thiệp tim mạch cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp
4 khung giờ can thiệp nhồi máu cơ tim
Sau 44 giờ khởi phát nhồi máu cơ tim bà N.T.N (78 tuổi, Tiền Giang) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh. Khi đó, cơ tim đã chết 80-90%, tình trạng đau ngực còn 4/10. Các bác sĩ nhận định cơ hội sống sót rất thấp.
Sau khi được các bác sĩ Trung tâm Can thiệp mạch nỗ lực cứu những cơ tim còn sống, ngăn tình trạng hoại tử cơ tim tiến triển nặng, sức khỏe của bà N. ổn định và được xuất viện. Nhưng trường hợp này vẫn cần được theo dõi sát sao.
Khác với trường hợp bà N., anh H.M.V (44 tuổi, quận Thủ Đức) đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh sau 2 giờ có biểu hiện đau tức ngực. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim và được ê-kíp các bác sĩ phẫu thuật tim và can thiệp mạch thực hiện đặt stent tái thông dòng máu nuôi tim.
Sau 12 phút can thiệp, tim nhanh chóng được tái tưới máu. Nhờ nhập viện kịp “giờ vàng” nên việc điều trị hiệu quả, không có biến chứng, anh V. được xuất viện sớm.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, điều trị nhồi máu cơ tim cấp bằng liệu pháp tái tưới máu hiện đại như can thiệp mạch vành qua da (PCI) chỉ phụ thuộc vào thời gian.
Do vậy, trì hoãn điều trị, bỏ lỡ giờ vàng dẫn đến nguy cơ bệnh tật và tử vong cao. Hơn 95% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp mất “giờ vàng” điều trị do đến bệnh viện trễ.
Theo đó, chuyên gia này nhấn mạnh, có 4 khung giờ can thiệp nhồi máu cơ tim người bệnh cần lưu ý để không bỏ lỡ “giờ vàng” điều trị.
Giờ vàng là 1-2 giờ đầu bệnh nhân xuất hiện cơn đau ngực. Lúc này cơ tim chỉ bị tổn thương nhẹ nên việc tái tưới máu cơ tim hiệu quả nhất, hạn chế cơ tim chết, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng.
Giờ bạc là 2-6 giờ từ khi khởi phát triệu chứng nhồi máu cơ tim. Lúc này, một lượng cơ tim tổn thương nhất định, việc cứu cơ tim sẽ giảm hiệu quả hơn.
Giờ đồng là từ 6-12 giờ xuất hiện triệu chứng, những cơ tim bị tổn thương sẽ mất vĩnh viễn, có nguy cơ biến chứng nặng.
Cuối cùng, giờ hy vọng mong manh là sau 12 giờ khởi phát cơn đau thắt ngực. Giai đoạn này, cơ tim chết lan rộng, tỷ lệ thành công khi can thiệp rất thấp, nguy cơ để lại nhiều di chứng, tử vong cao.
Triệu chứng cảnh báo bị nhồi máu cơ tim
Bệnh tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn cầu. Hơn 3/4 số ca tử vong này xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Bệnh mạch vành, đặc biệt nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh tim mạch hàng đầu với tỷ lệ tử vong cao.
Nhồi máu cơ tim cấp gây tử vong cho khoảng 300.000 đến 400.000 người mỗi năm trên thế giới.
Nguyên nhân của nhồi máu cơ tim cấp là do giảm lưu lượng máu đến tim. Nguồn cung cấp oxy có sẵn không thể đáp ứng nhu cầu oxy, dẫn đến thiếu máu cơ tim.
Các nguyên nhân khác của giảm oxy hóa/thiếu máu cơ tim bao gồm thuyên tắc động mạch vành, thiếu máu cục bộ do cocaine, bóc tách mạch vành và co thắt mạch vành.
Bác sĩ Minh khuyến cáo, người bệnh cần nhập viện cấp cứu ngay khi xuất hiện các triệu chứng như: Đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức; cơn đau kéo dài 5-7 phút trở lên, có thể lan lên cằm, vai hoặc cánh tay; khó thở; tim đập nhanh; đổ mồ hôi lạnh; tê mỏi tay chân; buồn nôn, khó tiêu/ợ chua, khó chịu hoặc đau dạ dày; xây xẩm, chóng mặt; ngất xỉu.
Các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành dẫn đến thiếu máu cơ tim bao gồm: lớn tuổi, tiền sử gia đình có bệnh tim mạch sớm; tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, suy thận mạn, bệnh tự miễn; hút thuốc lá, thừa cân-béo phì, ít vận động, stress…
"Một số triệu chứng nhồi máu cơ tim có thể nhầm lẫn với bệnh lý khác khiến bệnh nhân chậm trễ nhập viện, dẫn đến tăng tỷ lệ biến chứng, thậm chí tử vong. Do đó, những người có yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành hay người bệnh mạch vành mạn tính nên khám tầm soát sức khỏe tim mạch định kỳ để phát hiện sớm tình trạng hẹp mạch vành và can thiệp trước khi xuất hiện triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp", bác sĩ Minh khuyến cáo.
TRẦN LAM