You are here
Xuất bản Việt Nam phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, song hành cùng bước phát triển của cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành xuất bản, in và phát hành có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng
Hoạt động xuất bản luôn gắn chặt với sự nghiệp cách mạng. Đảng luôn coi sách, báo cách mạng là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng để thực hiện tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức hoạt động của quần chúng, đồng thời thực hiện có hiệu quả việc truyền bá tư tưởng mác-xít cho nhân dân ta.
Ngày 10-10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in quốc gia. Đây là lần đầu tiên ngành xuất bản có một cơ quan vừa là doanh nghiệp quốc gia vừa là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất trên cả 3 khâu: Xuất bản, in và phát hành trong phạm vi cả nước. Đây là mốc đánh dấu ngành xuất bản cách mạng nước ta bắt đầu tạo dựng được nền móng của mình. Ngày 10-10-1952 trở thành Ngày truyền thống của ngành xuất bản, in và phát hành Việt Nam.
Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tổ chức giao lưu, giới thiệu sách mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh.Ảnh: VŨ YẾN.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngành xuất bản với tư cách là công cụ tư tưởng sắc bén của Đảng, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tính trong giai đoạn từ năm 1955 đến 1975, toàn ngành đã xuất bản được hơn 520.800.000 bản sách.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đánh dấu công cuộc đổi mới, đem lại luồng sinh khí mới cho toàn xã hội. Trong bối cảnh chung đó, ngành xuất bản đã vượt qua các khó khăn, thách thức, nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm, từng bước phát triển nhanh, thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ ngày càng có hiệu quả công tác tư tưởng-văn hóa. Từ năm 1991 đến 2001, mặc dù còn có những khó khăn nhất định nhưng toàn ngành đã giữ vững đà tăng trưởng, những chỉ tiêu về số cuốn, số bản đều tăng gấp 4 đến 4,5 lần sau 10 năm, là cơ sở để toàn ngành bước vào giai đoạn phát triển mới.
Thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ của Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư khóa IX, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngành xuất bản đã phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, ổn định hệ thống tổ chức, có bước phát triển mới về năng lực hoạt động, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường, bước đầu đáp ứng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân. Các chỉ số phát triển về đầu sách, bản sách vẫn cơ bản duy trì được tốc độ tăng trưởng khá (hơn 4%/năm).
Đến năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất bản vẫn có bước phát triển tích cực. Toàn ngành xuất bản đạt hơn 40.000 đầu xuất bản phẩm, trong đó có hơn 32.000 đầu sách, hơn 460 triệu bản xuất bản phẩm, trong đó có 390 triệu đầu sách (tăng hơn 1 lần so với năm 2001); tổng doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt 3.042 tỷ đồng (tăng 1,4 lần so với năm 2002).
Có thể khẳng định, ngành xuất bản đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng ngành xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa
Về tầm nhìn, ngành xuất bản tiếp tục giữ vững vai trò là lĩnh vực tư tưởng-văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền tảng tư tưởng, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập. Xây dựng ngành xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa, xuất bản nhiều đầu sách hay, giá trị, đúng định hướng, phát hành với số lượng lớn, tạo sức lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia.
Tổ chức, sắp xếp ngành xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Phát triển ngành xuất bản thành ngành kinh tế-công nghệ hiện đại, chuyển đổi số thành công, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển, khẳng định vị thế ngành xuất bản Việt Nam trong khu vực. Kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa thu hút các nguồn lực phát triển ngành xuất bản.
Thời gian tới, ngành xuất bản sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu, đó là: Hoàn thiện thể chế trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động xuất bản. Đổi mới tư duy quản lý, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê, đánh giá các chỉ số phát triển các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam vào xây dựng và phát triển hoạt động xuất bản.
Tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số bằng việc tăng số lượng các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành xuất bản phẩm tham gia xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia bằng nguồn ngân sách Nhà nước kết hợp với các chương trình hỗ trợ xuất bản theo hình thức xã hội hóa. Phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm trên cơ sở hạ tầng của hệ thống bưu chính, viễn thông. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản, chú trọng đưa các xu hướng hiện đại dựa trên khai thác dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud computing), internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain)... Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo của các cơ sở đào tạo xuất bản, in và phát hành theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu thị trường và xu hướng phát triển trên thế giới. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, hội chợ triển lãm xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
NGUYỄN NGUYÊN (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông)