You are here

Cần chiến lược hồi hương cổ vật

"Chảy máu" cổ vật xảy ra ở hầu khắp quốc gia, chủ yếu bằng con đường phi pháp. Việt Nam không nằm ngoài bối cảnh ấy và đây là vấn đề cần quan tâm khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa.

Phát biểu tại Hội thảo góp ý lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sáng 28.7, TS. Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nhận định: hơn 20 năm qua, với sự ra đời Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản dưới luật, tình hình "chảy máu" cổ vật được cải thiện rất nhiều, do những điều khoản trong Luật về lĩnh vực này đã thừa nhận quyền sở hữu tư nhân và sự ra đời của các sưu tập, bảo tàng tư nhân, thừa nhận việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia dưới sự thống nhất quản lý của Nhà nước, thừa nhận quyền tặng cho và thừa kế di vật, cổ vật không thuộc sở hữu toàn dân… 

Đặc biệt với định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước, kinh tế Việt Nam đã có sự đổi thay lớn, tạo điều kiện cho sự ra đời một tầng lớp thương nhân có tri thức, tâm huyết với di sản, trong đó có di vật, cổ vật là một thành phần của di sản. Họ chính là những người sưu tầm, lưu giữ, phát huy di vật, cổ vật. Như vậy, Luật và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã góp phần lớn cho di vật, cổ vật hạn chế "chảy máu", thậm chí gần đây, hiện tượng "hồi hương" di sản đang trở thành một xu thế mạnh mẽ để trả di vật, cổ vật về đúng nơi chúng sinh ra. Rõ ràng, tính ưu việt của Luật Di sản văn hóa, của đường lối, chính sách đã góp phần vô cùng tích cực chống "chảy máu" cổ vật. 

Cần một chiến lược "hồi hương" và quy định chống "chảy máu" cổ vật
Ảnh: HNM

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Quốc Quân, đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, đặc biệt là của các sưu tập tư nhân và bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam hiện nay diễn ra vô cùng chậm chạp. Với bảo vật quốc gia trong sưu tập tư nhân, cho đến nay, chỉ mới có 2 hiện vật và nhóm hiện vật, với tổng số 10 hiện vật được đăng ký. Cổ vật trong các sưu tập tư nhân được đăng ký lẻ tẻ, ngẫu hứng. Điều này dẫn đến hậu quả là những cổ vật có nguồn gốc bất hợp pháp (hiện vật khảo cổ học, hiện vật trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nếu bổ sung vào các sưu tập tư nhân, quản lý lỏng lẻo là nguyên nhân của việc đào bới trái phép, mất cắp cổ vật ở các cơ sở thờ tự, tạo điều kiện cho việc xuất lậu cổ vật…).

TS. Phạm Quốc Quân kiến nghị, việc đăng ký cổ vật, di vật trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân phải là bắt buộc, chứ không chỉ khuyến khích các chủ sở hữu đăng ký. Đăng ký di vật, cổ vật có nhiều lợi ích: quản lý được sự biến động trong các sưu tập; định hướng được đối tượng cổ vật cần sưu tầm, lưu gửi, phát huy; thừa nhận quyền sở hữu, khi những hiện vật có nguồn gốc phi pháp thuộc về lịch sử; đánh giá được tình trạng hiện vật đang được lưu giữ để có phương án bảo quản. 

Bên cạnh đó, quy định cho phép bán đấu giá cổ vật cần tạo điều kiện cho quản lý, đồng thời các bảo tàng sưu tầm được những cổ vật từ đấu giá, Nhà nước thu được thuế và những cổ vật quý, thậm chí là những cổ vật đạt tiêu chí bảo vật quốc gia không bị đưa ra khỏi biên giới trái phép. Đặc biệt, cần có chiến lược "hồi hương" cổ vật, được cụ thể hóa bằng quy định pháp luật, của cơ chế, chính sách, cùng với sự cổ vũ, động viên của toàn xã hội. Ngoài ra, quy định pháp luật về chống "chảy máu" hay thất thoát cổ vật, trộm cắp cổ vật cũng cần được quy định cụ thể và thực hiện nghiêm để bảo vệ di sản.

Ngọc Phương



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE