You are here

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố.

Đồng chí Phạm Đình Nghị - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì hội nghị.

 

 Dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ một số vấn đề còn tồn tại của năm 2020 như: tình trạng vi phạm đê điều ở nhiều địa phương chưa được xử lý triệt để; ý thức phòng, chống thiên tai của cộng đồng chưa được nâng cao; nguồn lực đảm bảo phòng chống thiên tai còn rất hạn chế, chủ yếu nhận nguồn lực từ ngân sách Trung ương.

 

Năm 2021, dự báo thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trên địa bàn tỉnh Nam Định, đang triển khai thi công các dự án lớn như đường trục, đường ven biển, các khu cụm công nghiệp, các công trình thuỷ lợi; hạ tầng thoát nước thành phố Nam Định còn hạn chế; nhà tập thể, chung cư ngày càng xuống cấp, quá hạn sử dụng. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các huyện, thành phố tập trung rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên; quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng chống thiên tai, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng phòng tránh, ứng phó, giảm nhẹ thiên tai. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Kế hoạch & Đầu tư, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đê, kè, thuỷ lợi đã có dự án và đang thi công. Tăng cường kiểm tra các công trình đê điều thuỷ lợi, có phương án đảm bảo an toàn, xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, đổ phế thải, rác thải trên mặt đê; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm của cán bộ, đảng viên, báo cáo vi phạm vượt thẩm quyền. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó với từng tình huống cụ thể; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết khí hậu, nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo tình hình thời tiết, nhất là bão. Các Công ty khai thác công trình thủy lợi chủ động, nâng cao năng lực tưới, tiêu, xây dựng các phương án chống hạn, xâm nhập mặn, phòng chống úng, lụt; thường xuyên làm sạch, thông thoáng hệ thống kênh mương, đảm bảo vệ sinh môi trường, phục vụ tốt cấp nước, tiêu thoát nước. Các sở, ngành chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo và thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng nhiệm vụ được giao; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai ở đơn vị mình phụ trách. UBND các huyện, thành phố rà soát, cập nhật, hoàn thiện các kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương mình theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ các vật tư, phương tiện, phương án để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có thiên tai; tổ chức diễn tập để nâng cao kỹ năng, đảm bảo quy định của pháp luật. Ngành Nông nghiệp &Phát triển nông thôn, các huyện, nhất là 3 huyện ven biển kiểm tra, động viên để các tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình khẩn trương lắp, vừa đảm bảo không vi phạm ngư trường đánh bắt vừa đảm bảo công tác PCTT&TKCN. Thành phố Nam Định có phương án phòng chống ngập khi có mưa lớn, rà soát kiểm tra lại các nhà hư hỏng, chung cư, nhà sở hữu nhà nước hư hỏng không đảm bảo để có phương án. Các Sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực để phục vụ công tác PCTT&TKCN.

Năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về công tác kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. Phê duyệt, triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai các cấp, hoạt động của quỹ phòng chống thiên tai tại địa phương; chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch phòng ngừa; khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai; thu, chi quỹ phòng, chống thiên tai; tìm kiếm cứu nạn. Cụ thể, trong năm 2020, trước ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn, gió mạnh trên biển diễn ra ở địa phương hết sức phức tạp, song công tác chỉ đạo, tổ chức ứng phó với các cơn bão, trận thiên tai lớn tại địa phương rất kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế. Năm 2021, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh xác định phòng, chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị, của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm nhiệm vụ tại các Kế hoạch của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và thực hiện Chỉ thị số 42 ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác phòng, chống thiên tai cần chú trọng phương án và các điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh./.

 

 

T/h: Lê Hải



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE