You are here

Thành lập các tập đoàn bệnh viện: Nên chăng?

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có một số kiến nghị gửi Chính phủ về hệ thống giải pháp chính sách để cải tổ hệ thống bệnh viện công lập. VAFI cho rằng, hệ thống bệnh viện công lập đang tồn tại quá nhiều hạn chế, do vậy đơn vị này kiến nghị Chính phủ nên cổ phần hóa các cơ sở y tế công lập tiến tới thành lập các tập đoàn bệnh viện. Đề xuất có phần mới mẻ này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia y tế.

Xu thế tất yếu?

Theo đại diện VAFI, hiện đầu tư cho hệ thống y tế công lập lớn hơn nhiều so với khu vực y tế tư nhân song hiệu quả chưa cao, vẫn còn tình trạng lãng phí trang thiết bị, chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng kỳ vọng. Theo đó, người bệnh vào bệnh viện khám chữa bệnh, ngoài các chi phí chính thức như viện phí, tiền mua thuốc thì còn phải chịu nhiều chi phí không chính thức. Chưa kể, chất lượng phục vụ người bệnh, chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn hàng đầu như Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương… cũng đang có nhiều vấn đề bởi tiêu cực trong việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ và cơ chế quản lý bệnh viện chưa chuyên nghiệp. Với những tồn tại trên, VAFI khuyến nghị cần thực hiện một cuộc cách mạng trong ngành Y tế, mục tiêu là cổ phần hóa các bệnh viện công lập đầu ngành, tiến tới thành lập các tập đoàn bệnh viện.

Đồng tình với đề xuất nêu trên, ông Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Trung ương 71 cho rằng, việc thành lập các tập đoàn bệnh viện là cần thiết, hợp với xu thế tất yếu của các nền y tế phát triển bởi hiện nay các bệnh viện công lập do được bao cấp nên đang sử dụng kinh phí của Nhà nước rất lãng phí, kém hiệu quả. Tuy nhiên, nếu thành lập các tập đoàn bệnh viện buộc cơ sở phải tính toán để tiết kiệm chi phí dựa trên lợi ích của bệnh viện, và đáp ứng tốt nhất chất lượng khám chữa bệnh để phục vụ bệnh nhân vì bệnh nhân là người trả lương và bác sỹ là người phục vụ. Bệnh viện nào tốt, bệnh nhân sẽ đến đông.

“Việc thành lập các tập đoàn bệnh viện này nên tiến hành sớm để xóa bỏ bao cấp giữa các cơ sở y tế, xóa bỏ lợi ích nhóm của một số đối tượng, để bệnh viện vận hành theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, khi thành lập các tập đoàn bệnh viện, dựa trên hiệu quả công việc để tuyển dụng nhân sự phù hợp, bộ máy hành chính sẽ tinh gọn, hiệu quả chứ không cồng kềnh như tại các bệnh viện công hiện nay. Ngoài ra, khi thành lập các tập đoàn bệnh viện, mỗi bệnh viện trong hệ thống sẽ hỗ trợ cho nhau những công việc chuyên môn cần thiết như công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, hỗ trợ nhau để hội chẩn với những ca bệnh khó, phức tạp", ông Lê Quốc Thịnh nói.

Chưa phù hợp

Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ, theo một số chuyên gia y tế, việc này không nên áp dụng trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay. Chuyên gia y tế Phan Đình Hiệp đang công tác tại Úc cho rằng, việc thành lập các tập đoàn bệnh viện là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng song trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay thì chưa hẳn phù hợp. Bởi khi thành lập các tập đoàn bệnh viện, tiêu chí lợi nhuận sẽ được đặt lên hàng đầu, bệnh viện tự hạch toán kinh doanh, bệnh nhân ở tất cả mọi đối tượng kể cả người nghèo cũng phải chi trả dịch vụ y tế theo giá dịch vụ, giá thị trường, chi phí khám chữa bệnh sẽ tăng lên rất nhiều lần. Như vậy, việc đảm bảo người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời điểm hiện tại. Chưa kể, khi dịch vụ cao, nhưng bác sỹ lại thiếu cái tâm trong thăm khám, điều trị, lạm dụng chụp chiếu, kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân, chưa có bệnh đã nghi ngờ có bệnh, bệnh nhẹ thành nặng... sẽ kéo theo chi phí y tế của bệnh nhân tăng khủng khiếp, là thảm họa trong công cuộc chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

“Thành lập tập đoàn bệnh viện đồng nghĩa với việc Nhà nước chuyển gánh lo chi phí cho y tế lên đôi vai người dân, người dân sẽ không được hưởng lợi từ chính sách y tế của Chính phủ. Việc chuyển mô hình bệnh viện công sang tập đoàn rất dễ dàng song từ mô hình tập đoàn muốn quay về bệnh viện công bất khả kháng, do vậy trước khi đưa ra một quyết sách nào đó các nhà quản lý cần cân nhắc kỹ càng bởi nó liên quan đến quyền lợi của hơn 90 triệu người dân Việt”, bác sỹ Phan Đình Hiệp nhấn mạnh.

Bác sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng cho rằng, thành lập tập đoàn bệnh viện ở nước ta là không phù hợp. Ông Tuấn phân tích, dịch vụ y tế là một loại dịch vụ đặc biệt, không giống với bất kỳ dịch vụ hàng hóa nào trên thị trường. Nếu với một loại hàng hóa khác trên thị trường người tiêu dùng bằng cảm quan và qua sử dụng có thể đánh giá được chất lượng sản phẩm song sản phẩm, dịch vụ y tế người bệnh không thể lựa chọn cũng chưa thể đánh giá ngay được chất lượng bởi không am hiểu chuyên môn, vậy nên hoàn toàn dựa vào nơi cung cấp dịch vụ là các cơ sở y tế và nhân viên y tế. Do vậy, nếu nhân viên y tế mà đứng trên lập trường lợi ích của cơ sở y tế, bảo vệ quyền lợi, lợi ích của cơ sở y tế thì chi phí của bệnh nhân sẽ tăng rất nhiều lần. Nếu thành lập các tập đoàn bệnh viện, coi người bệnh và quỹ BHYT là nguồn thu thì việc lạm dụng chụp chiếu, xét nghiệm, lạm dụng các kỹ thuật cao để tận thu không phải là nguy cơ mà là sự thật hiển nhiên.

Bên cạnh đó theo ông Tuấn, y tế là một dịch vụ luôn luôn khát vốn để đầu tư phát triển, đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng ngày càng cao hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Một cuộc chạy đua về công nghệ giữa các cơ sở y tế sẽ xảy ra để hút bệnh nhân, khi đó chi phí cho y tế, chi phí cho các máy móc xét nghiệm chụp chiếu sẽ tăng cao tương ứng với chi phí đầu tư của DN, do vậy dù bệnh nhân nghèo hay giàu cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí khám chữa bệnh tăng chóng mặt, người giàu còn có sự lựa chọn, người nghèo hoặc không điều trị hoặc trắng tay, đói nghèo vì điều trị bệnh.

Vậy nên theo một số chuyên gia y tế, thay bằng việc cổ phần hóa các bệnh viện công, Nhà nước nên tiến hành cải tổ hệ thống, siết chặt quản lý tại các bệnh viện công để tránh thất thoát, tham nhũng, minh bạch trong cơ chế quản lý điều hành và thông tin chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở. Đồng thời, nên duy trì hệ thống y tế phi lợi nhuận, tránh tình trạng nhập nhèm không phân định rõ y tế công- tư như một số bệnh viện công lập đang tồn tại hiện nay là hình thành các khu khám bệnh dịch vụ, chất lượng cao ngay trong chính bệnh viện công, gây bức xúc cho người dân.

 

Theo VAFI, giai đoạn 1 của việc cải tổ hệ thống y tế công lập sẽ chuyển toàn bộ bệnh viện Nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức DN công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tiếp đó, trong giai đoạn 2 sẽ cổ phần hóa các bệnh viện mạnh và đầu ngành như Bạch Mai, Việt Đức, K, Phụ sản TW, Nhi đồng, Chợ Rẫy… và các bệnh viện xin tự nguyện cổ phần hóa. Các bệnh viện lớn này sẽ đóng vai trò là các bệnh viện mẹ để làm cơ sở cho 1 tiến trình từng bước hợp nhất, sáp nhập các bệnh viện nhỏ, các bệnh viện ở tuyến tỉnh, bệnh viện huyện, hình thành nên các Tập đoàn bệnh viện có cổ phần Nhà nước chiếm đa số tuyệt đối (trên 65% vốn điều lệ), mang thương hiệu Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… xuống tận cấp huyện. Người dân ở nông thôn khi đó chỉ cần tới chi nhánh BV Bạch Mai, Chợ Rẫy , Việt Đức… đóng tại huyện mình khám bệnh, thay vì phải vất vả vượt tuyến.

 

Theo Báo Hải Quan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ PHÁT SÓNG

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE