You are here

Chung tay chống dịch Covid-19: Từng bước nới lỏng giãn cách xã hội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt, cần nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức 

Chiều 20-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Đề nghị giãn cách xã hội đến hết ngày 22-4

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), Việt Nam liên tiếp 4 ngày không ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 mới. Điều đó cho thấy tình hình dịch hiện nay tại nước ta đang được kiểm soát tốt cũng như hiệu quả của việc thực hiện cách ly xã hội trong những tuần qua.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch mới phát hiện. Do dịch đã lây lan ra cộng đồng nên vẫn tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm và có thể bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào, đòi hỏi cơ quan y tế, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch tích cực, không được phép chủ quan, lơ là.

Báo cáo Thủ tướng về tình hình kiểm soát dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội đã được kiểm soát tốt; nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng đã giảm dần... "Vì vậy, TP Hà Nội đề xuất đến ngày 22-4, nếu không có ca mới, các ổ dịch tiếp tục kiểm soát thì Ban Chỉ đạo có thể nghiên cứu, giảm mức giãn cách xã hội ở thủ đô; các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ" - ông Ngô Văn Quý kiến nghị.

Để đánh giá và kiểm soát tình hình dịch bệnh, TP Hà Nội tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

cho tiểu thương ở các chợ đầu mối Ảnh: NGÔ NHUNG

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng đề xuất tương tự như TP Hà Nội và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có chỉ thị mới để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thúc đẩy phục hồi sản xuất - kinh doanh phù hợp với thực tế.

Tại cuộc họp, ý kiến của các bộ, ngành cũng đồng tình với việc giảm mức độ giãn cách xã hội ở TP Hà Nội và TP HCM và tùy tình hình thực tế để gỡ bỏ dần các biện pháp giãn cách mạnh mẽ trên tinh thần không chủ quan nhưng cũng sẵn sàng để phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Kết thúc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, Ban Chỉ đạo đã huy động trí tuệ của các chuyên gia, tham khảo nhiều ý kiến khác nhau để đưa ra chủ trương, biện pháp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và xử lý các vấn đề cụ thể. "Tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn so với phiên họp trước, cần nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường mà dịch bệnh có thể quay lại" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15-4 cho đến khi có chỉ đạo mới, dự kiến sẽ được đưa ra trong cuộc họp ngày 22-4. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo báo cáo về các nhóm địa phương nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp tại cuộc họp này. Nếu tình hình an toàn thì nhiều địa phương có thể được hạ thấp nguy cơ.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý khả năng lây nhiễm vẫn còn cao, tất cả địa phương, hệ thống chính trị cũng như người dân vẫn phải tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch là phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả. Xác định từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế nhưng Thủ tướng nhắc lại, không được lơ là, chủ quan, thỏa mãn. Các biện pháp như đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung đông người khi không thật sự cần thiết, rửa tay thường xuyên... vẫn phải tiếp tục thực hiện.

Thủ tướng giao chủ tịch UBND các tỉnh, TP xác định cấp độ nguy cơ cụ thể của từng huyện, xã, thậm chí thôn, bản, khu vực dân cư để có hình thức áp dụng các biện pháp phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh.

Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế sửa đổi Nghị quyết số 20 về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 theo hướng tăng cường xuất khẩu trên cơ sở chúng ta đã có cơ số dự trữ cần thiết. Cả nước có 47 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế, năng lực sản xuất tối đa là 25,5 triệu chiếc/ngày trong trường hợp đủ nguyên liệu sản xuất.

Thủ tướng nhất trí tiếp tục cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón công dân về nước, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhu cầu về nước của công dân, khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly và tổ chức các chuyến bay. 

Chung sống an toàn nhưng không chủ quan

Sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 họp bàn một số nội dung như bảo đảm khám chữa bệnh, đi lại, sản xuất - kinh doanh, du lịch... an toàn trong dịch Covid-19. Các ý kiến cho rằng phải có sự điều chỉnh trong chỉ đạo để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, mục tiêu là chung sống tuyệt đối an toàn nhưng không chủ quan.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay các cơ sở y tế thực hiện biện pháp cao nhất trong phân luồng, tổ chức khu vực riêng biệt tiếp đón người đến khám chữa bệnh, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, coi tất cả người đến khám là có nguy cơ lây nhiễm và tiến hành sàng lọc, xét nghiệm, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, sốt.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng, ban hành hướng dẫn sản xuất, kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhà máy, xí nghiệp. Đối với loại hình nhà máy, công xưởng cần hướng dẫn từ lúc công nhân đi vào, giao nhận ca, ăn uống đến khi tan ca... Tùy điều kiện thực tế, địa phương có thể bổ sung các quy định, hướng dẫn, bảo đảm cụ thể, đầy đủ. Đặc biệt, địa phương chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn, phòng chống dịch đối với hoạt động của nhóm các siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ (sửa xe máy, cắt tóc...), lao động tự do, người bán hàng rong...

Về việc đi lại, du lịch, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết sẽ rà soát lại các hướng dẫn trước đây về bảo đảm an toàn trong vận chuyển hành khách, du khách, sau đó cập nhật thêm các biện pháp phòng chống mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế.

80% bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi

Bộ Y tế chiều 20-4 cho biết sau ca mắc Covid-19 thứ 268 được công bố sáng 16-4, đến nay đã hơn 4 ngày, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc mới.

Ngày 20-4, cả nước đã có 12 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số trường hợp điều trị khỏi là 214 người (chiếm 80%). Hiện còn 54 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại 9 cơ sở y tế, trong đó 14 ca đã có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 và 7 ca có xét nghiệm 2 lần âm tính.

Việt Nam hiện là một trong 3 quốc gia có trên 200 người mắc Covid-19 mà không có trường hợp tử vong.

 

Thế Dũng - Ngọc Dung - Huy Thanh

Theo Người lao động

 



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE