You are here

Đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”: Hệ trọng và cấp bách

Tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường…

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bàn nhiều nội dung rất quan trọng của đất nước.

Ảnh: Thảo Nguyên

Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận, ra Nghị quyết về "tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ".

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đánh giá, Đảng ta luôn chú ý đến việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, để xứng đáng là lực lượng lãnh đạo xã hội, được nhân dân thừa nhận. Đây là ý thức của Đảng nên Đảng đã có nhiều Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nổi bật là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, tiếp đến là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI.

Tại các Nghị quyết này, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách. “Điều đó có nghĩa, Đảng phải đổi mới. Bởi tình hình trong nước, tình hình thế giới đã đổi mới, thì Đảng phải đổi mới. Đổi mới về nhận thức, đổi mới về tư tưởng, đổi mới về hành động”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

Đặc biệt, tại hội nghị Trung ương 4, khóa XI, Đảng đã chỉ ra, một bộ phận không nhỏ đảng viên, trong đó có cả cán bộ đảng viên cao cấp suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Không chỉ vậy, còn có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Có những đảng viên tự đánh mất mình trước quyền lực, trước tiền bạc, trước lợi lộc và không xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân nữa”, ông Vũ Quốc Hùng lưu ý.

Chính vì vậy, từ Đại hội XI đến nay, Đảng đã thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng với quyết tâm chính trị rất cao. Nhưng những tiêu cực về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà càng lộ ra. Thể hiện ở những vụ đại án, tiêu cực đã được phanh phui. Cho nên, phải có Nghị quyết tiếp theo để xây dựng chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng. Nghị quyết này tiếp nối Nghị quyết kia và đi vào chiều sâu hơn.

“Nội dung hội nghị lần này rất quan trọng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng không chỉ bàn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bàn về phát triển kinh tế. Đảng ta luôn nhấn mạnh xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Đi bằng “hai chân” ấy Đảng mới mạnh được trong bối cảnh hiện nay”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Đảng ta luôn ý thức được trách nhiệm tự đổi mới, trách nhiệm trước dân tộc, trước Tổ quốc, trước các bậc tiền bối, trước lịch sự để xây dựng, chỉnh đốn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Còn theo đánh giá của ông Dương Ngọc Sơn, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI chưa đạt được kết quả như yêu cầu. Trung ương còn thấy, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Cho nên, tại hội nghị lần này, Trung ương cần phải bàn và ra Nghị quyết "tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ".

“Đây là vấn đề hệ trọng và cấp bách. Đảng viên, nhân dân hết sức quan tâm và mong Trung ương làm rõ, đánh giá đúng tình hình để có những giải pháp hữu hiệu, kiên quyết để chặn đứng, nhất là, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang diễn biến phức tạp, không hề đơn giản”, ông Sơn nói và cho rằng, cũng cần phải chỉ rõ được một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất là ai, biện pháp phải thiết thực, để tránh tình trạng “đâu lại vào đấy”.

Đề án nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong đó có “tự phê bình và phê bình”, theo ông Dương Ngọc Sơn, giải pháp này thời gian qua vẫn làm “xuê xoa nể nang, chưa đến nơi đến chốn”. Đây cũng là một trong những yếu kém khiến khiến suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tham ô chưa được đẩy lùi.

“Toàn Đảng, toàn thể các cơ quan, tổ chức xã hội phải vào cuộc mạnh mẽ thì mới chống được tham nhũng, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống. Kiểm tra, giám sát phải chỉ ra có vi phạm hay không? Vi phạm cái gì? Vi phạm đến đâu? Nếu trước những vi phạm đó thì xử lý như thế nào? Phải rõ ràng. Phê và tự phê cũng phải nghiêm túc. Nếu cứ chung chung thì không giải quyết được vấn đề. Vừa qua, chúng ta làm có mạnh mẽ nhưng giải pháp của mình chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay”, ông Dương Ngọc Sơn nhấn mạnh.

 

Theo Báo Thanh Tra



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ PHÁT SÓNG

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE