You are here

Đảng lãnh đạo đấu tranh tại Hội nghị Paris

Nơi lưu trú của Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam ở thành phố Verrières-le-Buisson. (Ảnh KHẢI HOÀN)

Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 13 (tháng 1/1967), đánh giá tình hình và chủ trương: đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở Việt Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường, qua đó nâng đấu tranh ngoại giao thành mặt trận ngoại giao phối hợp với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự có giá trị như một bản cương lĩnh đấu tranh ngoại giao của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đầu năm 1968, nhận định Mỹ đang bế tắc về chiến lược tiến hành chiến tranh ở cả hai miền nam-bắc, Trung ương Đảng quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy bất ngờ, đồng loạt đánh vào các thành phố, thị xã, căn cứ quân sự, sân bay, kho tàng, bến cảng của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trên toàn miền nam. Cuộc tổng tiến công đã làm cho chính quyền Mỹ thừa nhận một sự thật là Mỹ không thể giành thắng lợi bằng sức mạnh quân sự. Vì thế, Tổng thống Mỹ Johnson đã phải lên đài truyền hình tuyên bố hạn chế ném bom miền bắc, đề nghị đàm phán không điều kiện.

Như vậy, tính toán của Đảng ta là mở cuộc tiến công lớn để mở ra khả năng đàm phán đã trở thành hiện thực. Đảng quyết định chấp nhận đề nghị của Mỹ. Cuộc đàm phán nhanh chóng được khai mạc ngày 13/5/1968 tại Paris. Việc Mỹ quay sang đề nghị đàm phán là sự biểu hiện bắt đầu quá trình bỏ rơi chính quyền và quân đội Sài Gòn trên thực tế.

Khác với cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh chống thực dân Pháp ở Geneva năm 1954, Việt Nam tham gia vào Hội nghị quốc tế đa phương vào phút chót, trong cuộc đàm phán ở Paris lần này, chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ cùng chính quyền hai bên ở miền nam Việt Nam trực tiếp đàm phán. Trong bối cảnh đó, Đảng ta chủ trương đấu tranh trực diện với Mỹ. Đảng chỉ thị cho đoàn đàm phán Việt Nam tập trung, kiên trì đấu tranh trên hai vấn đề chủ yếu. Một là, yêu cầu Mỹ và các nước khác công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, thể hiện Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, không thể chia cắt, có chủ quyền đầy đủ và có lãnh thổ toàn vẹn. Vấn đề thứ hai là kiên quyết yêu cầu quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ cùng vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh phải rút hết khỏi miền nam Việt Nam. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc nhằm tạo ra tình hình có lợi trong so sánh lực lượng ở miền nam.

Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu quân Mỹ phải rút nhanh, toàn bộ về nước. Trong vấn đề này, phía đoàn Mỹ cũng nêu yêu cầu quân đội miền bắc phải rút khỏi miền nam. Đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kịch liệt bác bỏ đòi hỏi vô lý của phía Mỹ, khẳng định Việt Nam là một quốc gia thống nhất có hàng nghìn năm lịch sử; chính Mỹ đã âm mưu chia cắt Việt Nam, phá hoại Hiệp định Geneva, biến giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 thành biên giới vĩnh viễn giữa hai miền nam-bắc. Nước Việt Nam là một.

Dân tộc Việt Nam là một. Việc bộ đội miền bắc vào miền nam cùng quân và dân miền nam chiến đấu đánh đuổi quân Mỹ xâm lược là để thống nhất đất nước là một việc làm chính nghĩa, được nhân dân tiến bộ trên thế giới đồng tình, ủng hộ. Biết là đuối lý nên đến giữa năm 1971, phía Mỹ đã không đưa ra yêu cầu đòi quân đội miền bắc phải rút khỏi miền nam, trong khi đó, Mỹ đã rút hàng chục vạn quân về nước. Chủ trương của Đảng kiên trì và kiên quyết đấu tranh yêu cầu Mỹ phải rút quân đã đạt được thắng lợi.

Năm 1968 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, chiến tranh ở Việt Nam chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng và nhạy cảm trong đời sống chính trị-xã hội của nước Mỹ và đối với các ứng cử viên tổng thống Mỹ. Nhận thức được điều đó, cùng với nhiều điều kiện khác, Đảng ta quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền nam, buộc chính quyền Mỹ phải thay đổi chiến lược tiến hành chiến tranh, đề nghị đàm phán để giải quyết cuộc chiến hao người, tốn của và mất lòng dân này.

Năm 1972, Đảng quyết định mở cuộc tiến công chiến lược trên ba hướng chủ yếu là Trị Thiên, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, hỗ trợ cho đấu tranh ngoại giao. Đảng chủ trương chủ động mở đột phá trên bàn đàm phán, buộc Tổng thống Nixon phải ký hiệp định chấm dứt chiến tranh trước cuộc bầu cử. Bản dự thảo Hiệp định do Việt Nam Dân chủ cộng hòa đưa ra ngày 8/10/1972 đã phá vỡ thế bế tắc của cuộc đàm phán. Các bên nhanh chóng thỏa thuận các nội dung hiệp định và ngày ký chính thức.

Tuy nhiên, phía Mỹ đã lật lọng, lấy lý do chính quyền Sài Gòn không đồng ý với nhiều nội dung trong dự thảo, đòi chỉnh sửa tới 69 điểm, trong đó nêu lại vấn đề đòi quân đội miền bắc rút khỏi miền nam. Phía Việt Nam không chấp nhận nhiều nội dung phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn yêu cầu sửa đổi. Mỹ đe dọa sử dụng biện pháp quân sự mạnh. Trước tình hình đó, Đảng đã chỉ đạo quân và dân miền bắc khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đương đầu và đánh bại bước phiêu lưu quân sự tàn bạo của kẻ thù.

Ngày 18/12/1972, Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay ném bom chiến lược B52 xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh ở miền bắc hòng buộc chúng ta phải chấp nhận các điều kiện của Mỹ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương đã kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bắn rơi nhiều máy bay, trong đó có hàng chục chiếc B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, lập nên kỳ tích thắng lợi được ví như một trận Điện Biên Phủ trên không, đánh bại hoàn toàn âm mưu và hành động chiến tranh điên cuồng của kẻ thù.

Hiệp định Paris có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Hiệp định là văn bản pháp lý toàn diện, đầy đủ nhất công nhận các quyền cơ bản của dân tộc ta, trong đó Mỹ buộc phải cam kết “tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.

Bị thua đau, chính quyền Mỹ buộc phải đề nghị đàm phán và chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973, với nội dung cơ bản không thay đổi so với bản dự thảo Hiệp định phía Việt Nam đưa ra ngày 8/10/1972.

Hiệp định Paris có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Hiệp định là văn bản pháp lý toàn diện, đầy đủ nhất công nhận các quyền cơ bản của dân tộc ta, trong đó Mỹ buộc phải cam kết “tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Điều 1 của Hiệp định ghi rõ: Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận.

Điều 5 ghi: Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi ký Hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn ra khỏi miền nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự... của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đồng minh của Hoa Kỳ và của Việt Nam Cộng hòa. Hai vấn đề chủ yếu trong cuộc đàm phán Paris đã được thực hiện dưới sự lãnh đạo trực tiếp, đúng đắn của Đảng.

 

PGS, TS NGUYỄN MẠNH HÀ

Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE