You are here

Vì sao có ngày 8/3?

Những ngày gần đây, cả thế giới đều đang dành sự quan tâm về ngày 8/3 (ngày Quốc tế Phụ nữ), tuy nhiên nguồn gốc ra đời và lịch sử phát triển của ngày lễ này thì có thể nhiều người chưa nắm rõ.

Vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, thời kì hưng thịnh của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là ở Mỹ, với sự phát triển của nền kinh tế, nguồn nhân công trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết. Do đó mà nhiều phụ nữ và trẻ em được tuyển vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, tuy nhiên trái ngược với công sức bị bóc lột, họ được trả lương vô cùng rẻ mạt.

Ngày 8/3 bắt nguồn từ phong trào biểu tình của công nhân nữ ngành dệt may của nước Mỹ.

Ngày 8/3/1857, công nhân dệt may tại hai thành phố Chicago và New-York ( Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ đòi tăng lương, giảm giờ làm chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn. Mặc dù sau đó cuộc đấu tranh này bị thẳng tay đàn áp nhưng các nữ công nhân vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh và buộc chủ tư sản phải nhượng bộ.

Đến tháng 5/1959, các nữ công nhân trong hãng dệt của Mỹ thành lập công đoàn đầu tiên để bảo vệ một số quyền lợi của phụ nữ.

Ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.

Ngày 28/2/1909: Lễ kỷ niệm Ngày Phụ nữ tổ chức sớm nhất tại New York để tưởng niệm cuộc đình công năm 1908 của Hiệp hội Công nhân May mặc Quốc tế.

Tuy nhiên, đến 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin (người Đức) đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới.

Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.

Tháng 8/1910: Hội nghị Phụ nữ Thế giới được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch đề nghị tạo ra một Ngày Phụ nữ Quốc tế với phương châm đấu tranh đòi quyền bình đẳng trong xã hội, quyền lao động tăng lương giảm giờ làm, có chế độ an sinh xã hội, chống bạo lực với phụ nữ được hơn 100 phụ nữ từ 17 quốc gia trên thế giới ủng hộ. 

Năm 1911: Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 3 ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ, với hơn một triệu người tham gia.

Năm 1914: Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 và kể từ đó ngày này được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 ở tất cả các quốc gia.

Năm 1975: Liên hợp quốc bắt đầu tổ chức kỷ niệm ngày 8/3.

Năm 1977: Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công bố với các quốc gia trên toàn thế giới công nhận ngày 8/3 là ngày Quốc tế phụ nữ.

Phụ nữ nhiều nơi trên thế giới đấu tranh đòi bình quyền ngày 8/3.

Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

Ở một số nước trên thế giới, ngày 8/3 được coi là ngày lễ chính trong năm và tổ chức rất lớn. Còn một số quốc gia khác, ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm bằng những hoạt động như liên hoan, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới với các vấn đề về lương, giáo dụ hay các điều kiện về an sinh xã hội, chống mại dâm và bạo lực đối với phụ nữ…

Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.

Trong những ngày này, cánh mày râu thường tặng hoa, quà và những lời chúc yêu thương đến những người phụ nữ yêu thương của cuộc đời mình như mẹ, vợ, con gái, chị gái, bạn gái,…

LỘC LIÊN Tổng hợp

Theo Tiền Phong



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE