You are here

Tranh dân gian đồ thế trong đời sống đương đại

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, những công trình nghiên cứu về tranh dân gian, trong đó có tranh đồ thế, là cách thể hiện niềm tự hào và gìn giữ văn hóa, tín ngưỡng dân tộc.

Bám sát đời sống tín ngưỡng người Việt

Tranh đồ thế có lẽ là dòng tranh xuất hiện sớm nhất trong các dòng tranh dân gian, trải qua bao đời nay, nó vẫn có sức sống mạnh mẽ do gắn liền với nghi lễ, tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, “nếu như tranh kính phổ biến ở Nam Bộ; tranh Hàng Trống, Đông Hồ phổ biến ở Bắc Bộ, thì tranh dân gian đồ thế hiện diện mọi nơi, ở các lễ nghi vòng đời của con người (trừ đám cưới), trong ngày rằm, mồng một… Gần như dân tộc nào cũng có tranh đồ thế, thể hiện dưới hình thức này hay hình thức khác mà thôi…”.

Bìa sách “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam”

Bà Nguyễn Thị Thu Hòa giải thích, tranh dân gian đồ thế, với từ “thế" có nghĩa là thay thế, khi con người muốn dâng cúng lễ vật lên thần linh hoặc người đã khuất, họ có thể cúng gà, lợn, đồ mã… Tranh đồ thế thể hiện những đồ vật thật bằng tranh, người ta dùng tranh đó để thay thế đồ vật thật. Tranh đồ thế gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt Nam. Đa phần người Kinh thường theo tam giáo, là biểu hiện rõ nhất tín ngưỡng của người Việt cũng như tôn giáo của người Việt.

Dòng tranh dân gian đồ thế chủ yếu là tranh in khắc từ mộc bản, số lượng và kiểu dáng khá phong phú. Có loại tranh chỉ toàn mảng, có loại tranh toàn nét, có loại kết hợp cả nét lẫn mảng. "Đừng tưởng tranh mảng in toàn màu đen là xấu. Những tranh đồ thế gia súc, gia cầm, thủy cầm như trâu, bò, ngựa, voi, gà, cá, lợn đôi khi có tạo mảng đầy gợi cảm. Điển hình là tranh đồ thế Lợn độc của Kim Hoàng, chỉ căn cứ vào mảng đen gốc thì đầy thiếu sót, nhưng khi in trên nền màu, đỏ, cam hay hồng điều và phối hợp vẽ thêm nét đen trắng thì tranh sẽ sinh động và đẹp hồn hậu đến bất ngờ", nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ.

Hoặc dòng tranh về một số vị thần có đầu là người, thân là cá, rắn cũng thể hiện sự chuyển biến trong nếp nghĩ của nhân dân ta từ xưa, rất sáng tạo và đẹp. Các tín ngưỡng giải hạn cầu an, thờ cúng ông Công - ông Táo, cúng chúng sinh… cũng được thể hiện trong tranh dân gian đồ thế. “Có thể thấy, mỗi nghệ nhân tranh đồ thế là một kho tàng tri thức về phong tục, tập quán, lễ nghi... trong đó một số phong tục, tập quán, lễ nghi đã mất vẫn hiển hiện trong các bản tranh, là điều cần được trân trọng và gìn giữ”.

Quá trình gần 10 năm điền dã, nghiên cứu tranh đồ thế, bà Nguyễn Thị Thu Hòa đã cho ra đời cuốn sách “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam”, NXB Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ ấn hành. Sách gồm hơn 1.000 ảnh minh họa, in màu toàn bộ, với 5 nội dung: Đồ thế của các nước trên thế giới và Việt Nam; Địa lý - Tôn giáo - Tín ngưỡng Việt Nam; Tranh đồ thế Bắc Bộ; Tranh dân gian đồ thế Trung Bộ; Tranh đồ thế Nam Bộ. “Qua cuốn sách, các họa sĩ, nhà thiết kế sẽ có thêm tư liệu tham khảo để tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã ứng dụng mới mẻ, bắt mắt. Khi thực hiện ấn phẩm, tôi đã cố gắng giải thích ý nghĩa của mỗi bức tranh nhằm phổ biến từng lễ nghi để thế hệ trẻ tiếp thu giá trị tranh dân gian đồ thế”, bà Thu Hòa khẳng định.

Lấp đầy khoảng trống

Với suy nghĩ tranh dân gian Việt Nam, trong đó có tranh đồ thế, chưa được nghiên cứu nhiều, nếu không kịp thời thực hiện thì có thể sẽ dần biến mất, bà Nguyễn Thị Thu Hòa cho rằng, trước mắt cần có sự chung tay của cộng đồng, sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước để lấp đầy khoảng trống trong các nghiên cứu, hoạt động thực tế. “Việc làm quen với tăng ni, pháp sư, thanh đồng, thầy cúng, thời gian đầu tìm hiểu tranh đồ thế đối với tôi cũng khá vất vả, khó khăn. Hơn nữa, đây là dòng tranh đặc thù, tương đối nhạy cảm trong bối cảnh xã hội đang lên án việc sử dụng hàng mã gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, hỏa hoạn… Vì vậy, rất cần thay đổi nhận thức của cộng đồng về thể loại tranh này”.

Để tranh đồ thế có sức sống lâu bền trong đời sống đương đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, cho biết, ngoài công năng chính là phục vụ trang trí, dùng trong tín ngưỡng, thờ cúng… tranh đồ thế có thể ứng dụng vào sản phẩm mỹ thuật hiện đại. “Khác biệt lớn nhất của dòng tranh dân gian đồ thế so với các dòng tranh khác nằm ở công dụng của nó trong đời sống. Cụ thể, dòng tranh này có thể sử dụng trang trí sản phẩm ứng dụng, làm vỏ bọc quà tặng, đồ lưu niệm hay may mặc, giống như tranh làng Sình đã được nhiều cửa hàng bán sản phẩm của Huế trang trí trên sách, đèn, lịch…”.

Hiện cả nước chỉ còn không quá 10 gia đình theo đuổi nghề làm tranh đồ thế với quy mô sản xuất ngày càng thu hẹp, và sự cạnh tranh khốc liệt về giá thành, mẫu mã từ tranh in công nghiệp. Trong khi đó, chỉ duy nhất nghệ nhân Kì Hữu Phước, tranh làng Sình, được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước, nhưng vẫn còn hạn chế. Vậy nên, theo các nhà nghiên cứu, cần sự chung tay để nghệ nhân duy trì nghề nghiệp bằng việc mở các bảo tàng tranh, trợ cấp nghệ nhân, cấp vốn để nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, giúp tranh dân gian đồ thế có sức cạnh tranh trên thị trường.

Hương Sen



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE