You are here

Nhạc sĩ Đoàn Bổng khắc họa Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không bằng âm nhạc

Trong 12 ngày đêm tháng 12-1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược bằng “siêu pháo đài” bay B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, bền bỉ và anh dũng, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, của lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, trong đó nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân. Quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc, tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” và làm nên kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (18-12-1972/18-12-2022), nhạc sĩ Đoàn Bổng giờ đã ở vào tuổi “bát thập cổ lai hy” nhưng ông vẫn sáng tác và vừa hoàn thành tác phẩm âm nhạc “Rồng lửa trên bầu trời Hà Nội” để chào mừng sự kiện nửa thế kỷ “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về ký ức của Hà Nội 12 ngày đêm chìm trong khói lửa chiến tranh và bài hát “Rồng lửa trên bầu trời Hà Nội”.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng. 

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, tác phẩm “Rồng lửa trên bầu trời Hà Nội” được thực hiện từ khi nào?

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Năm 2020, khi đó tôi đã nghĩ rằng, năm nay là kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không nên tôi quyết định sẽ viết một bài hát về thời khắc Hà Nội chiến đấu với B-52 như thế nào và tác phẩm “Rồng lửa trên bầu trời Hà Nội” được bắt đầu thực hiện từ khi đó.

Năm 1972, tôi là sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vừa ra trường. Để đảm bảo an toàn cho học sinh nên nhà trường đã phải sơ tán ra những địa điểm ngoài khu vực Hà Nội để tránh bom Mỹ. Nhà tôi ở Thường Tín nên tôi về ở với bố mẹ nhưng vì mới tốt nghiệp nên dù chiến tranh nhưng tôi vẫn phải đạp xe lên Hà Nội một tuần vài lần để đi xin việc.

Thời điểm đó, tôi được chứng kiến hình ảnh tên lửa của quân đội ta bắn tiêu diệt máy bay B-52 của Mỹ, đặc biệt là vào ban đêm, những quả tên lửa như những con rồng sáng rực cả bầu trời, bay rất nhanh để tìm mục tiêu và tiêu diệt. Lúc đó, mỗi lần tên lửa bắn trúng máy bay B-52 thì nhân dân Thủ đô lại hò reo vui mừng. Trong đêm tối bùng lên những ngọn sáng mãnh liệt, thể hiện tinh thần, ý chí quật cường của quân và dân Thủ đô. Những hình ảnh đó theo tôi trong suốt cuộc đời. Để rồi, 50 năm sau, tôi hoàn thiện tác phẩm “Rồng lửa trên bầu trời Hà Nội”.

Bài hát này nói về ý chí kiên cường của lực lượng phòng không- không quân. Đây là lực lượng nòng cốt đóng góp nhiều cho Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không. Thông qua ca khúc, tôi muốn nói lên niềm tự hào của các đơn vị quân đội trong cuộc chiến với không lực Hoa Kỳ năm xưa. Tác phẩm âm nhạc này cũng là để nói với thế hệ sau rằng, đất nước ta đã trải qua năm tháng hào hùng như thế.

Khu tập trung xác máy bay B-52 ở vườn Bách Thảo, Hà Nội năm 1972. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. 

PV: Ký ức về Hà Nội những ngày chìm trong khói lửa chiến tranh của ông ra sao?

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Trong những ngày tháng 12, nhiều lần tôi đi qua phố Khâm Thiên và chứng kiến khung cảnh vô cùng tang thương, điện không có, trên đường phố là cảnh đổ nát và rất nhiều đồng bào bị chết vì bom Mỹ. Cảnh tượng đó khiến trái tim tôi như bị bóp nghẹn. Đây là nỗi kinh hoàng về chiến tranh mà tôi chứng kiến khi còn trẻ.

Chiến tranh tàn khốc là thế nhưng tinh thần của người Hà Nội vô cùng bản lĩnh. Khi có tiếng còi ủ vang lên từ Nhà hát Lớn Hà Nội và sau đó là tiếng loa thông báo “Đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 30km, 20km…” nhưng người dân Thủ đô vẫn rất bình tĩnh, nhìn ai cũng thong dong, ngỡ như chưa hề có chiến tranh xảy ra ở mảnh đất này. Người Hà Nội khi ấy vô cùng gan dạ và luôn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Thủ đô.

Lúc đó, Hà Nội có rất nhiều hầm cá nhân trải khắp đường phố. Khi báo động thì người già, phụ nữ, trẻ em nhảy xuống hầm để tránh bom. Mặc dù ngồi trong hầm nhưng khi nghe thấy tiếng nổ trên bầu trời là bà con reo lên, hoan hô bộ đội tiêu diệt được máy bay B-52...

Sân bay Gia Lâm bị bom B-52 của Mỹ phá hủy ngày 19-12-1972. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. 

PV: Chứng kiến hình ảnh Thủ đô cả trong thời chiến và thời bình, cảm nhận của ông ra sao?

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Tôi thấy Hà Nội giờ đây đã thay đổi rất nhiều, những khu nhà hiện đại rồi những con đường mới mọc lên. Hà Nội xưa vắng vẻ, chỉ tập trung đông dân ở 4 quận nội thành còn những khu vực ven đô rất thưa thớt. Sự thay đổi và phát triển của Thủ đô ngày hôm nay để trở thành Thành phố vì hòa bình là niềm tự hào của người dân Hà Nội và cả nước.

Trong cuộc đời làm nghệ thuật, tôi luôn dành tình cảm đặc biệt cho Hà Nội, nếu viết về Hà Nội nói chung thì tôi có hơn 20 ca khúc và nếu cộng cả Hà Tây (cũ) thì có khoảng 40 bài hát về mảnh đất này.

Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, tôi có 3 tác phẩm được Dàn nhạc giao hưởng của Pháp chọn biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngoài ra, tôi cũng viết nhiều đề tài về Hà Nội như mùa xuân và một bài hát nói lên hình ảnh đoàn quân tiến về giải phóng thủ đô như tác phẩm “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”. Khi Hà Nội được giải phóng năm 1954, tôi mới 11 tuổi. Sau này, vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Thủ đô, tôi thấy mình chưa có bài hát nào đặc sắc về Hà Nội nên tôi rất trăn trở. Trong một lần đạp xe trên phố và nhớ lại hình ảnh khi còn nhỏ đã được ở Hà Nội. Về nhà, tôi đã viết ca khúc “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”. Câu đầu tiên của bài hát là “Tôi yêu Hà Nội từ ngày còn ấu thơ” như để nói lại những kỷ niệm của mình với thủ đô. Đến bây giờ, những ký ức về một thời đạn bom, một thời hòa bình của Hà Nội mãi in đậm trong tâm trí tôi.

PV: Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE