You are here

Ngẫm lại lời xưa

Bùi Huy Bích (1744-1818), tự Hi Chương, hiệu Tồn Am, là một nhà nho, danh nhân người Hà Nội, từng giữ chức Tham tụng dưới thời vua Lê-chúa Trịnh. Ông là cháu 5 đời của Tiên Quận công Bùi Bỉnh Uyên, cháu 7 đời của Quảng Quận công Bùi Xương Trạch.

Bùi Huy Bích là một trong những trí thức tiêu biểu để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho đời sau trên các lĩnh vực lịch sử tư tưởng, chính trị, xã hội như: “Hoàng Việt thi tuyển”, “Hoàng Việt văn tuyển”, “Tồn Am thi thảo”, “Lữ trung tạp thuyết”...

Trong số các tác phẩm của Bùi Huy Bích, “Lữ trung tạp thuyết” có thể được coi là một cuốn sách mang tính chất tổng hợp, tạp ký, được viết khi ông đã từ quan về ở ẩn. Nội dung là những điều ông tâm đắc về những cái được ghi chép trong sách vở của cổ nhân trên các phương diện đạo đức, con người, lối sống và thời cuộc cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.

Tác phẩm “Lữ trung tạp thuyết” đã được một số nhà nghiên cứu, học giả quan tâm, tìm hiểu song đến nay gần như chưa có một chuyên luận dành riêng cho tác phẩm này, đặc biệt là vấn đề khảo sát văn bản tác phẩm. Đó cũng là lý do TS Hoàng Phương Mai (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho ra đời cuốn sách “Lời xưa vang vọng-Qua tác phẩm “Lữ trung tạp thuyết” của Bùi Huy Bích” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2021).

Cuốn sách dày 436 trang, được cấu trúc thành 3 chương cùng phần phụ lục giới thiệu bản dịch tác phẩm “Lữ trung tạp thuyết” và nguyên văn văn bản chữ Hán của tác phẩm. Qua ngòi bút của mình, tác giả Hoàng Phương Mai đã phân tích tỉ mỉ những nội dung mà “Lữ trung tạp thuyết” của Bùi Huy Bích muốn truyền tải. Văn bản tác phẩm trích dẫn lời nói của các bậc tiền triết như Khổng Tử, Mạnh Tử, Hàn Tử... bàn về "tính thiện"; trích dẫn điển cố trong các sách kinh điển như “Luận ngữ”, “Kinh thi”, “Trung dung”... để phân biệt những trạng thái cảm xúc của con người; trích dẫn những điều răn dạy của tiền nhân về cách sống, về đạo đức, về cách ứng xử với thời cuộc; ghi lại quan điểm, cách nhìn nhận của Bùi Huy Bích về tình hình lịch sử, chế độ, điển chương đương thời; ghi lại cách đánh giá, cảm thụ về văn chương, nghệ thuật, phong tục tập quán...

Bên cạnh đó, các giá trị tư liệu mà tác phẩm “Lữ trung tạp thuyết” mang lại cũng được phân tích khá sâu sắc. Đó là tầm quan trọng của Nho giáo trong xã hội phong kiến đương thời; của việc tu dưỡng đạo đức, trau dồi tri thức, điều này được nhấn mạnh là một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ và sẽ đem lại hiệu quả về lâu dài; ông cũng đưa ra các phương pháp học tập, tu dưỡng về đạo đức, tri thức từ những người đi trước. “Lữ trung tạp thuyết” cũng tái hiện được phần nào bức tranh sinh hoạt nơi làng quê với nền nếp sinh hoạt cũng như các tập quán tốt đẹp của người xưa.

Có thể thấy, “Lữ trung tạp thuyết” là cuốn sách hàm chứa biết bao những giá trị, lưu giữ những tư tưởng, quan điểm của Bùi Huy Bích về con người và cuộc đời mà qua sự giới thiệu, phân tích tác phẩm này, TS Hoàng Phương Mai đã giúp độc giả nhìn nhận một cách đầy đủ các giá trị. Đây cũng chính là những lời xưa còn vang vọng để người đọc ngày nay có thể tự cảm nhận, chiêm nghiệm, soi vào để tìm thấy cách ứng xử phù hợp cho riêng mình, để hoàn thiện bản thân, trưởng thành hơn trên chặng đường phía trước.

LỆ THU



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE