You are here

Việt Nam và Ai Cập chia sẻ kinh nghiệm lập pháp

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội hai nước có nhiều điểm tương đồng có thể chia sẻ, trao đổi và hợp tác nhằm xây dựng xã hội công bằng, phát triển.

Việt Nam và Ai Cập có nhiều điểm tương đồng trong xây dựng Hiến pháp, luật chú trọng tới việc bảo vệ các quyền con người, quyền lợi của công dân, xây dựng xã hội công bằng, phát triển. Đó là khẳng định của Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền và Tiến sĩ Beha Abo Shoka, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu Hiến pháp và lập pháp của Quốc hội Ai Cập trong buổi làm việc tại Cairo ngày 26/7.

Đoàn Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội Việt Nam làm việc với Ủy ban Lập pháp và Hiến pháp Ai Cập 

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, giám sát, trong đó có việc xây dựng Hiến pháp, các Bộ luật, luật nhằm hoàn thiện thể chế. Hai bên cũng khẳng định công tác xây dựng luật, Hiến pháp của hai nước đều hướng đến quyền con người và dân chủ.

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội hai nước có nhiều điểm tương đồng có thể chia sẻ, trao đổi và hợp tác nhằm xây dựng xã hội công bằng, phát triển. Hai bên cũng chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện chức năng giám sát, và phòng chống tham nhũng.

Tiến sĩ Beha Abo Shoka, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu Hiến pháp và lập pháp của Quốc hội Ai Cập chia sẻ, Ai Cập vừa hoàn thành việc sửa đổi Hiến pháp năm 2014, trong đó để cao quyền công dân, quyền tự do của người dân. Cùng với đó, các luật cũng được Quốc hội sửa đổi theo hướng tăng cường bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, đảm bảo an ninh quốc gia.

 

Trong bối cảnh ngày càng phải đối mặt với tình trạng bạo lực và khủng bố, Quốc hội Ai Cập cũng sửa luật tố tụng hình sự cho phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo quyền công dân. Bên cạnh đó, Quốc hội Ai Cập cũng chú trọng sửa đổi các luật liên quan tới kinh tế,thương mại, nhất là luật đầu tư nhằm tạo lòng tin và tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và sửa đổi Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam, trong đó đề cao quyền tự do, dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền.

Sau sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam tiếp tục sửa đổi các Bộ luật cho phù hợp. Cùng với việc dần hoàn thiện thể chế, Quốc hội Việt Nam và các cơ quan của Quốc hội chú trọng tới việc giám sát, thi hành Hiến pháp và pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy xã hội phát triển./.

 

Theo VOV



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE