You are here

Tổng thống Philippines ‘tiến thoái lưỡng nan’ trong quan hệ với Trung Quốc

Sau màn đấu khẩu giữa Manila và Bắc Kinh liên quan đến vụ hàng chục tàu Trung Quốc neo đậu ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, Tổng thống Rodrigo Duterte đã lên tiếng, nhưng là theo hướng hạ nhiệt căng thẳng. 

Tổng thống Rodrigo Duterte rơi vào thế kẹt trong vụ tàu Trung Quốc hiện diện ở vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Ảnh: Reuters

Theo tờ Nikkei Review (Nhật Bản), trong tuyên bố được phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines đưa ra, ông Duterte khẳng định khác biệt giữa hai nước dù ở mức độ nào cũng không thể cản trở đà phát triển tích cực trong tổng thể quan hệ song phương nói chung và hợp tác chống đại dịch COVID-19 nói riêng.

Sự xuất hiện của nhiều tàu cá mà quân đội Philippines cho là tàu “dân quân biển” Trung Quốc tại vùng biển Manila tuyên bố chủ quyền là tình thế "tiến thoái lưỡng nan" mới nhất mà ông Duterte phải đối diện trong quan hệ với Trung Quốc. Chỉ trích Trung Quốc sẽ hợp với dư luận Philippines, khi phần đông người dân coi coi hành vi này của Bắc Kinh là bước xâm phạm chủ quyền. Nhưng làm như vậy sẽ khiến ông Duterte mất đi ủng hộ cần thiết từ phía Bắc Kinh để giúp Philippines thoát khỏi đại dịch, vượt lên suy thoái do COVID-19 gây ra.

Theo chuyên gia Collin Koh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (IDSS) có trụ sở ở Singapore, ông Duterte lâm vào tình cảnh cần phải đưa ra phản ứng mạnh mẽ nhất nhưng trong phạm vi không được làm chấn động các nền tảng quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh.

Vị tổng thống ưa lối phát biểu mạnh bạo cho đến nay vẫn tránh bình luận trực tiếp về đối đầu gần đây giữa hai nước liên quan đến vụ hơn 200 tàu Trung Quốc kết bè gần Đá Ba Đầu (thuộc cụm đảo Sinh Tồn, trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam). Thái độ “hòa hoãn” của ông Duterte không phải điều quá bất ngờ nếu xét đến chính sách “thích ứng với Trung Quốc” mà Tổng thống Philippines theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Duterte tìm cách tăng cường hợp tác với Bắc Kinh, chấp nhận gác lại vấn đề nhạy cảm tranh chấp lãnh thổ. Thiện chí của ông đã được đáp lại bằng các cam kết đầu tư trị giá nhiều tỉ USD từ Bắc Kinh, dòng khách du lịch tấp nập từ Trung Quốc cũng như việc đại lục mở rộng cửa cho hàng hóa xuất khẩu của Philippines, nhất là mặt hàng chuối.

 

Trong đại dịch COVID-19, Trung Quốc cũng chuyển giao cho Philippines nhiều máy thở, đồ bảo vệ cá nhân và mới đây là mặt hàng vaccine phòng dịch. Manila khởi động chiến dịch tiêm chủng vào tháng trước bằng vaccine Sinovac do Bắc Kinh tài trợ. Chính quyền ông Duterte đang tính toán đặt mua thêm vaccine từ Trung Quốc, khi nguồn cung từ các nước khác bị trì hoãn.

Vaccine Sinovac được Trung Quốc viện trợ cho Philippines. Ảnh: Reuters

Với cá nhân ông Duterte, có được sự hậu thuẫn từ Bắc Kinh là điều rất quan trọng, nhất là khi Philippines đang phải vật lộn trước làn sóng bùng phát lây nhiễm COVID-19, buộc chính quyền phải thực thi đóng cửa trong hai tuần tại nhiều khu vực chiếm 25% dân số cả nước, trong đó có thủ đô Manila. Đóng cửa do đại dịch là mối đe dọa đối với mục tiêu phục hồi kinh tế của chính phủ, sau khi Philippines ghi nhận GDP giảm kỉ lục 9,6% trong năm 2020.

Ông Koh đánh giá, hệ quả tiêu cực đại dịch COVID-19 gây ra có thể hủy hoại triển vọng thắng cử đối với đảng của tổng thống đương nhiệm. Ông Duterte bị giới hạn bởi một nhiệm kỳ 6 năm. Những ứng cử viên thay thế triển vọng gồm có con gái Sara Duterte – Thị trưởng thành phố Davao, và cựu cố vấn của ông Duterte - Thượng nghị sĩ Bongo. Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế, ông Duterte sẽ có được ưu thế, giúp người được ông chọn lựa có cơ hội chiến thắng cao trong cuộc bầu cử năm 2022.

Để làm được điều đó, tổng thống Philippines phải cần đến sự hỗ trợ của Trung Quốc. Đó là một phần lý do giải thích tại sao ông Duterte đứng ngoài các tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng và Bộ Trưởng Quốc phòng Philippines nhằm vào Trung Quốc gần đây.

Ngày 5/4, Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra tuyên bố cứng rắn, chỉ trích các bình luận được coi là khó chấp nhận của Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines, đồng thời cảnh báo (sẽ) gửi công hàm ngoại giao phản đối mỗi ngày nếu Bắc Kinh chưa chịu rút tàu khỏi đá Ba Đầu.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng sự xuất hiện liên tục của “dân quân biển” Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định chiếm đóng thêm các khu vực ở Biển Đông, bởi Bắc Kinh từng làm điều tương tự ở bãi cạn Scarborough và khu vực đá Vành Khăn.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 6/4 cho rằng Manila có động cơ và ý đồ thù địch khi gọi các tàu Trung Quốc là “lực lượng dân quân biển”.

 

Hoài Thanh/Báo Tin tức



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE