You are here

Thượng đỉnh Phi-Âu: An ninh lấn át kinh tế

Chủ đề chống khủng bố, buôn người, ngăn làn sóng tị nạn là trọng tâm của Thượng đỉnh Phi-Âu.

Bất chấp ý muốn của các nước châu Phi về tăng cường quan hệ kinh tế, chủ đề chống khủng bố, buôn người, ngăn làn sóng tị nạn vẫn là trọng tâm của Thượng đỉnh Phi-Âu vừa diễn ra tại Bờ Biển Ngà.

Khó có thể bàn gì khác, ngoài an ninh

Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh châu Phi-châu Âu diễn ra thì đã có khá nhiều tranh luận là liệu những chủ đề nào sẽ là trọng tâm được các nhà lãnh đạo hai châu lục thảo luận.

 

Phía các nước châu Phi thì muốn bàn nhiều về hợp tác kinh tế, về sự hỗ trợ của châu Âu cho châu Phi nhằm phát triển kinh tế và ổn định tình hình chính trị. Đó là lí do mà chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh lần này tại Bờ Biển Ngà được chọn là “vì tuổi trẻ và một tương lai ổn định hơn”.

Tổng thống Bờ biển Ngà Alassane Ouattara (giữa) chào đón Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tại sân bay Felix Houphouet-Boigny airport ở Thủ đô Abidjan ngày 28/11/2017.

Nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác. Trước khi hội nghị này diễn ra, báo chí châu Âu đã đăng tải nhiều nguồn tin ngoại giao ở Brussels cho thấy, các nhà lãnh đạo châu Phi và châu Âu sẽ khó có thể bàn về một chủ đề nào khác hơn ngoài chuyện an ninh, cụ thể là làm sao giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn và diệt trừ tình trạng buôn người đang ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Diễn biến của 2 ngày đàm phán tại Abidjian đã diễn ra như thế. Trọng tâm được các nhà lãnh đạo hai châu lục thảo luận vẫn là chuyện hành động thế nào để xoá sổ tình trạng buôn bán người tị nạn như nô lệ đang diễn ra tại Lybia.

Các thảo luận về hợp tác kinh tế, như mọi khi, hầu như chỉ dừng lại ở các lời hứa hẹn. Không có một dự án tầm cỡ nào được nhắc đến, ngoài dự án xây dựng tàu điện ngầm tại thủ đô Abidjian của Bờ Biển Ngà.

Nhưng đây là một dự án hoàn toàn song phương do Pháp cấp tín dụng, với một điều kiện rõ ràng, là việc thực thi phải được giao cho các tập đoàn kinh tế Pháp.

 

Giải pháp tình thế

Cuộc khủng hoảng di cư, tị nạn ở châu Phi giờ đã biến thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi gần đây báo chí quốc tế phát đi các phóng sự cho thấy hàng nghìn người tị nạn châu Phi bị buôn bán như nô lệ trong các trại tập trung ở Lybia.

Ngay trong đêm 29/11, một cuộc họp khẩn đã được triệu tập gồm một vài thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu như Pháp, Đức, đại diện của Liên hiệp quốc cũng như của 5 nước lân cận khu vực Sahara nhằm tìm ra phương án hành động cấp bách đối với tình hình buôn nô lệ tại Lybia.

Kết quả là một “lực lượng phản ứng nhanh” đã được thành lập với mục tiêu là trong thời gian sớm nhất hồi hương được 3.800 người tị nạn đang bị đối xử như nô lệ trong một trại tập trung gần thủ đô Tripoli của Lybia.

Nhưng vấn đề đặt ra, đó là tại Lybia không chỉ tồn tại một trại tập trung như thế. Số liệu từ các quan chức của Liên minh châu Phi cho biết có ít nhất 42 trại tập trung tương tự đang tồn tại trên một mảnh đất Lybia vô chính phủ, cũng như có khoảng 400 đến 700 ngàn người tị nạn châu Phi, chủ yếu là các thanh niên đến từ Tây Phi, đang trong tình trạng nguy hiểm tại Lybia.

Quyết định cấp bách mà các lãnh đạo châu Phi và châu Âu đưa ra, vì thế, hoàn toàn chỉ mang tính tình huống.

Đó có thể là lí do mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron luôn thúc giục và vận động thành lập một lực lượng quân sự chung của nhóm G5 Sahel, tức gồm 5 nước cận Sahara, và được sự hỗ trợ về quân sự, kỹ thuật, và tài chính của Liên minh châu Âu và Liên hiệp quốc… nhằm chiến đấu lâu dài chống lại các nhóm khủng bố và nhóm tội phạm buôn người trong khu vực.

Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn chỉ dừng lại ở mức ý tưởng.

Vị trí lung lay

Sự hiện diện của rất nhiều nguyên thủ quốc gia châu Âu tại Bờ Biển Ngà, trong đó nổi bật có Thủ tướng Đức, Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho thấy châu Âu rất coi trọng vai trò của châu Phi trong chính sách đối ngoại của mình, ít nhất là vào thời điểm này khi mà châu Phi đang là bản lề để giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn đe doạ sự ổn định của cả châu Âu.

Về mặt kinh tế, châu Âu vẫn đang là đối tác quan trọng hàng đầu của châu Phi bởi châu Âu là nơi viện trợ nhiều nhất cho châu Phi mỗi năm, khoảng 21 tỷ euro, đồng thời các nước châu Âu vẫn là các nhà đầu tư hàng đầu tại châu Phi với 32 tỷ euro đầu tư.

Tuy nhiên, vai trò của châu Âu đang bị đe doạ bởi từ 7 năm qua Trung Quốc đã vượt qua châu Âu để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Ngoài ra, các nước như Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ… cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện tại châu Phi.

Tất nhiên, châu Âu vẫn nắm giữ nhiều lợi thế. Trước hết, là lợi thế về lịch sử, văn hoá khi hầu như toàn bộ châu Phi trong quá khứ đều là thuộc địa của các nước châu Âu như Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Bỉ…. nên mối liên hệ hiện vẫn rất chặt chẽ.

Ngoài ra, còn là lợi thế địa lý bởi hai châu lục, đặc biệt là Bắc Phi và Nam Âu chỉ ngăn cách nhau bởi biển Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất của châu Âu so với các đối thủ khác, đặc biệt là Trung Quốc, đó là các hợp tác kinh tế Âu-Phi thường đi kèm với các điều kiện an ninh.

Nói cách khác là nếu không có sự đe doạ về tị nạn, khủng bố cũng như bất ổn ở bờ kia Địa Trung Hải như hiện nay thì châu Âu hiếm khi quan tâm một cách lâu dài và bền vững đến châu Phi, mà hầu như vẫn chỉ duy trì các tập quán kinh doanh mang nặng tính thủ lợi.

Các Hội nghị Thượng đỉnh Phi-Âu từ 2015 đến nay có thể sẽ giúp thay đổi điều đó, dù vô cùng chậm chạp./.

Theo VOV

 

 



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE