You are here

Thế giới trước viễn cảnh thiếu dầu diesel

Tình hình nguồn cung hạn chế trong khi giá dầu diesel biến động khó lường có thể khiến hầu hết khu vực trên toàn cầu đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu vô cùng quan trọng này vào mùa đông.

Mới đây, Bloomberg đưa ra cảnh báo đa phần khu vực trên thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu dầu diesel trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm ở hầu hết thị trường, qua đó khiến tình trạng lạm phát thêm phần trầm trọng hơn và ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng toàn cầu. Theo Bloomberg, tác động kinh tế của việc dầu diesel tăng giá và thiếu hụt sẽ gây gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. “Đó chắc chắn là cuộc khủng hoảng dầu diesel lớn nhất mà tôi từng chứng kiến”, Bloomberg dẫn lời nhận định của Dario Scaffardi, cựu Giám đốc điều hành của Nhà máy lọc dầu Saras SpA (Italy).

Dầu diesel được coi là “một mạch máu” của nền kinh tế toàn cầu. Nó được sử dụng làm nhiên liệu cung cấp năng lượng trong vận chuyển, sưởi ấm và vận hành các quy trình công nghiệp. Bloomberg liệt kê một số nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt dầu diesel toàn cầu, bao gồm: Các đợt phong tỏa do đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu và buộc nhiều nhà máy lọc dầu phải đóng cửa, quá trình chuyển đổi dần khỏi nhiên liệu hóa thạch, quyết định cắt giảm hạn ngạch sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đình công của công nhân tại châu Âu, những biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga...

Khách hàng mua nhiên liệu tại một trạm xăng, dầu ở Paris, Pháp. Ảnh: Bloomberg 

Thực tế, thị trường dầu diesel đang trong tình trạng khan hiếm. Theo Reuters, nhiều doanh nghiệp châu Âu gấp rút dự trữ đầy kho chứa dầu diesel trước khi lệnh cấm nhập hầu hết dầu thô và sản phẩm dầu từ Nga của EU bắt đầu có hiệu lực lần lượt vào tháng 12 tới và tháng 2-2023, vì các nguồn thay thế vẫn còn ít ỏi. Mỹ cũng đang cạnh tranh nguồn cung khi dự trữ dầu diesel của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1982. Giá dầu diesel của Mỹ tại thị trường giao ngay ở cảng New York đã tăng hơn 265% kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. Trong khi đó, Trung Quốc xuất khẩu 1,06 triệu tấn dầu diesel trong tháng 10 vừa qua, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 1,73 triệu tấn của tháng trước đó.

Đáng chú ý, dù sự phụ thuộc của châu Âu vào ngành năng lượng Nga đã giảm hơn 50% so với thời điểm trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhưng xứ bạch dương hiện vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất của lục địa già. Theo hãng dữ liệu tài chính Refinitiv, dầu diesel từ Nga đã chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu đường bộ của châu Âu tính đến tháng 11. Nếu áp dụng các lệnh cấm nhập khẩu từ Nga, châu Âu sẽ phải tìm nguồn cung thay thế thêm 1,1 triệu thùng/ngày đối với dầu thô và 1 triệu thùng/ngày đối với dầu diesel, naphtha và dầu nhiên liệu.

Dẫn báo cáo thị trường dầu hằng tháng được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố vừa qua, Reuters nhận định tình trạng thiếu hụt dầu diesel có thể là “điểm đau” tiếp theo trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đặc biệt là tại châu Âu. Tuy nguồn cung đã dần phục hồi trở lại vào tháng 10, IEA dự báo quyết định cắt giảm hạn ngạch sản lượng của OPEC và lệnh cấm vận dầu Nga của EU sẽ khiến nguồn cung bị thắt chặt trong thời gian còn lại của năm 2022. Chưa kể, IEA cho rằng nhu cầu dầu diesel sẽ còn tăng cao hơn nữa vào cuối năm nay, trước khi “giảm nhiệt” dưới tác động của giá cả cao và suy thoái kinh tế toàn cầu.

VĂN HIẾU



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE