You are here

Thế giới ngóng vắc-xin dư thừa, Mỹ vẫn mải bàn bạc

Tháng 4, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch chia sẻ hàng triệu liều vắc-xin thừa với thế giới vào cuối tháng 6. Năm tuần sau, các nước trên khắp thế giới vẫn chờ đợi.

Thiếu nữ Italia bị tiêm nhầm 6 liều vắc-xin Covid-19

Tháng 4, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch chia sẻ hàng triệu liều vắc-xin thừa với thế giới vào cuối tháng 6. Năm tuần sau, các nước trên khắp thế giới vẫn chờ đợi, với sự thiếu kiên nhẫn ngày càng tăng, để biết vắc-xin sẽ đi tới đâu và chúng sẽ được phân phối như thế nào.

Theo hãng tin AP, câu hỏi lớn được đặt ra đối với Tổng thống Biden: Nên chia từng nào vắc-xin cho những ai cần nó nhất và nên dành bao nhiêu liều cho các đối tác của Mỹ.

Ít nhất là tới thời điểm này, câu trả lời dường như là Mỹ sẽ cung cấp phần lớn các liều vắc-xin cho COVAX – chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, nhằm đáp ứng nhu cầu của những quốc gia có thu nhập thấp hơn.

Dù tỷ lệ phần trăm dành cho COVAX vẫn chưa được quyết nhưng nó sẽ đánh dấu một sự thúc đẩy đáng kể và ngay lập tức với COVAX, vốn chỉ mới chia sẻ được 76 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho các nước nghèo.

Chính quyền của Tổng thống Biden đang cân nhắc dành 1/4 số liều vắc-xin mà Mỹ còn dư để chuyển trực tiếp tới từng quốc gia mà nước này lựa chọn.

Nhiều quốc gia đã đề nghị Mỹ trao cho họ số vắc-xin thừa, song tới giờ chỉ mới có Mexico và Canada nhận được tổng cộng 4,5 triệu liều. Mỹ đã công bố kế hoạch chia sẻ đủ số liều cho Hàn Quốc để tiêm chủng cho 550.000 binh sĩ của nước này, những binh sĩ đang phục vụ trong quân ngũ cùng với lính Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, kế hoạch chia sẻ vắc-xin lớn hơn của Mỹ vẫn chưa quyết xong. Nó hiện là chủ đề của cuộc tranh luận về chính sách ở trong Nhà Trắng cũng như chính phủ liên bang. Kế hoạch này cũng liên quan tới COVAX và những bên khác như các công ty dược phẩm và chuyên gia hậu cần.

“Mỹ sẽ trở thành kho chứa vắc-xin cho phần còn lại của thế giới”, Tổng thống Biden tuyên bố hôm 17/5, khi ông thông báo Mỹ cam kết chia sẻ thêm nhiều liều vắc-xin. Nhà lãnh đạo này cho biết thêm, so với các quốc gia khác như Nga và Trung Quốc - hai nước đang tìm cách dùng vắc-xin sản xuất trong nước làm đòn bẩy, thì Mỹ sẽ không dùng vắc-xin để có được sự ủng hộ của những quốc gia khác”.

Samantha Power, quản trị viên mới của USAID, đã bật mí dấu hiệu đầu tiên về khả năng phân bổ vắc-xin khi chứng thực tại Quốc hội Mỹ vào tuần trước. Bà Samantha tuyên bố tại Uỷ ban phân bổ thượng viện rằng “75% số liều vắc-xin mà chúng ta chia sẻ có thể được chia sẻ qua COVAX. 25% số liều trong số bất kỳ nguồn dư thừa nào của chúng ta sẽ được dành cho việc phân phối song phương”.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng Tổng thống Biden vẫn chưa phê chuẩn việc chia sẻ vắc-xin một cách chính xác và mọi việc vẫn có thể thay đổi. Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết, trong vài ngày tới, chính quyền sẽ đồng bộ hoá việc cung cấp vắc-xin với các tổ chức chia sẻ vắc-xin toàn cầu.  

Tổng thống Joe Biden cam kết cung cấp cho các nước khác toàn bộ 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca mà nước này sản xuất. Vắc-xin này không được cấp phép ở Mỹ nhưng được phê chuẩn sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Số vắc-xin do Mỹ sản xuất này có thể được chuyển đi sớm sau khi cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm xác nhận là an toàn.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cam kết chia sẻ 20 triệu liều vắc-xin Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson. Dự kiến, nhiều liều vắc-xin hơn nữa sẽ được chia sẻ trong vài tháng tới.

 

Theo VietnamNet.vn



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE