You are here

Thế giới hoang mang sau lệnh cấm nhập cư của Trump

Sắc lệnh hạn chế người tị nạn từ 7 nước Hồi giáo Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thế giới lo ngại, nhiều chuyên gia nhận định chính sách này có nhiều điểm khác thường và khó hiểu.

New York Times có bài xã luận gọi lệnh cấm của Trump là "hèn nhát và nguy hiểm". Theo tờ Times, quyết định “tàn nhẫn” này trước hết đã gây tổn thương cho các gia đình người tị nạn, những người vẫn luôn tin tưởng rằng họ có thể thoát khỏi cảnh tàn sát đẫm máu để tìm kiếm hy vọng mới trên đất Mỹ.

Người ta có thể cảm nhận sự đau khổ và tuyệt vọng của họ tại các sân bay Mỹ chỉ vài giờ sau khi sắc lệnh được ban hành. Những người tị nạn đã ở rất gần cánh cửa vào nước Mỹ sau quá trình kiểm soát nghiêm ngặt kéo dài hàng năm trời cảm thấy đây giống như một “trò đùa quái ác của số phận”.

Nguy hiểm và khác thường

Times cũng nhận định lệnh cấm này là phi lý và vi hiến. Quan trọng hơn, nó vô cùng nguy hiểm vì các nhóm cực đoan có thể lợi dụng để truyền bá rằng nước Mỹ nhắm vào người Hồi giáo chứ không phải khủng bố.

Bên cạnh đó, lệnh cấm có thể khiến các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông mất niềm tin vào chính phủ Mỹ. Các binh sĩ Afghanistan và Iraq, lực lượng đang hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mỹ, sẽ tự hỏi tại sao họ phải mạo hiểm giúp đỡ đất nước đang từ chối đồng bào và có thể là chính bản thân họ chốn nương náu lúc nguy nan.

Bình luận trên Washington Post, Daoud Kuttab, nhà báo người Palestine, cho rằng sắc lệnh mới này đã phá hủy giá trị bình đẳng của nước Mỹ từ hàng thế kỷ nay, nơi mọi người không bị phân biệt đối xử vì tôn giáo khác biệt.

Peter Bergen, chuyên gia phân tích an ninh quốc gia của CNN, nhận định đây là sai lầm lớn của Trump đối với người tị nạn Syria. Theo Bergen, lệnh cấm này là hoàn toàn vô ích vì không có bằng chứng nào cho thấy người tị nạn Syria định cư ở Mỹ có liên hệ với những kẻ khủng bố.

Ngoài ra, Mỹ chỉ tiếp nhận số lượng rất nhỏ người tị nạn Syria, đa phần là phụ nữ và trẻ em. Họ là nạn nhân của khủng bố đang tìm cách trốn chạy khỏi lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS, chứ không phải người gây ra khủng bố.

Hơn nữa, các phần tử khủng bố cũng khó lòng thâm nhập vào Mỹ dưới danh nghĩa người tị nạn Syria. Đó là vì thành phần nhập cư này được xem xét rất kĩ lưỡng qua quy trình giám sát nghiêm ngặt có thể kéo dài nhiều năm.

Telegraph của Anh cũng đồng tình với quan điểm trên khi gọi lệnh cấm của Trump là không cần thiết, thậm chí là lợi bất cập hại. George W. Bush từng áp đặt một lệnh cấm đi lại tương tự trong những tháng căng thẳng sau vụ khủng bố 11/9 nhưng không hiệu quả.

Danh sách các quốc gia chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm dường như cũng được lựa chọn khá ngẫu nhiên. Iran nằm trong danh sách dù có tỷ lệ Hồi giáo Shia và tài trợ khủng bố không đáng kể. Trong khi Afghanistan và Pakistan, 2 nguồn không thể phủ nhận của chủ nghĩa cực đoan, lại được loại trừ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm trên tay sắc lệnh ông đã ký tại Bộ Quốc phòng ở Virginia, ngày 27/1 2017. Ảnh: UPI.

 

Suad Abdul Khabeer, giảng viên nhân chủng học, nhà nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi tại Đại học Purdue, bang Indiana, gọi đây là một chiêu thức đánh lạc hướng nguy hiểm. Giáo sư Khabeer nhận thấy bản danh sách này có điều gì đó “khác thường”.

Dự thảo sắc lệnh bắt đầu bằng việc chỉ ra rằng vụ khủng bố 11/9 là một “thất bại của quy trình cấp thị thực”. Bản dự thảo đổ lỗi cho Bộ Ngoại giao đã ngăn “các cán bộ ngoại giao rà soát chặt chẽ đơn xin thị thực của một số người nước ngoài trong số 19 người đã tới giết hại 3.000 người Mỹ”.

Đa phần các cá nhân này đến từ Saudi Arabia, nước không có tên trong danh sách.

Thêm vào đó, khi nói tới “chủ nghĩa khủng bố cây nhà lá vườn” của tất cả những người Hồi giáo bị tố cáo, buộc tội, kết án và tử hình, chỉ có một số người đến từ 7 quốc gia trong danh sách của Trump, số khác là người nhập cư và công dân Mỹ.

Điều này nghĩa là danh sách trên cần phải dài hơn hoặc nó không chỉ liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia mà còn có lí do khác nữa.

Khabeer cho rằng Trump đang tiếp tục khai thác sự sợ hãi làm nảy sinh xu hướng bài ngoại, điều khiến dân chúng phấn khích về các bức tường và các lệnh cấm. Mục đích chỉ là nhằm đánh lạc hướng họ khỏi những lời hứa mà ông sẽ không giữ được.

Gia tăng lo ngại trên toàn cầu

Le Monde nhận định sắc lệnh chống nhập cư của Trump đã làm gia tăng lo ngại trên toàn cầu. Dưới áp lực, Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố “không đồng tình” với chính sách hạn chế nhập cư do ông Trump áp đặt.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo người đồng nhiệm Mỹ chống lại "chủ nghĩa biệt lập" và kêu gọi "sự tôn trọng" nguyên tắc "tiếp nhận người tị nạn" dựa trên nền tảng dân chủ.

Trả lời phỏng vấn trên L’Express, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Marc Ayrault chỉ ra rằng “khi đối mặt với một thế giới bất ổn và bấp bênh, tìm cách co cụm lại là một phản ứng vô ích”.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố việc áp đặt lệnh cấm nhập cư dựa trên nguồn gốc và tôn giáo là “bất hợp lý” ngay cả trong bối cảnh cần thiết phải chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố. .

Một ngày sau khi ông Trump ký sắc lệnh, Thủ tướng Canada Justin Trudeau viết trên Twitter: “Với những người đang chạy trốn khỏi các cuộc đàn áp, khủng bố và chiến tranh, hãy nhớ rằng Canada sẽ chào đón bạn bất kể niềm tin của bạn”.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) kêu gọi ông Donald Trump duy trì tiếp nhận những người chạy trốn chiến tranh và khủng bố.

Sáng 28/1, Iran ban hành một tuyên bố gọi sắc lệnh của Trump là "một sự xúc phạm trắng trợn đến thế giới Hồi giáo, đặc biệt là đất nước Iran vĩ đại" và là “một món quà tuyệt vời cho những kẻ cực đoan và các nhà tài trợ của chúng”.

Dù không nằm trong danh sách nhưng Indonesia, đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới, cũng bày tỏ hối tiếc về quyết định này. Các công dân của họ tại Mỹ được cảnh báo đề cao cảnh giác và liên hệ với lãnh sự quán gần nhất nếu có điều gì xảy ra với họ sau khi lệnh cấm được ban hành.

Theo Zing



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE