You are here

Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran đặt nền móng cho giải pháp chính trị ở Syria

Đối thoại giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang thổi luồng sinh khí mới cho tiến trình hòa bình Syria sau những vòng đàm phán thất bại và thiếu đột phá.

Triển vọng hòa bình ở Syria dường như đang phụ thuộc vào hợp tác giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong việc thúc đẩy các cuộc đối thoại nội bộ quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống 3 nước Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau tại Sochi. (Ảnh: Reuters)

 

Chia sẻ với Đài phát thanh Sputnik (Nga) từ Beirut (Lebanon) ngày 22/11, phóng viên chiến trường Ali Musawi nhận định: “Chúng ta đã chứng kiến hội nghị Geneva I, Geneva II và nhiều cuộc thảo luận khác giữa các nước nhưng đây [đối thoại giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - ND] là lần nghiêm túc nhất”.

Vòng thảo luận gần đây nhất do Liên Hợp Quốc dẫn dắt được tổ chức trong vòng 8 ngày, từ 23/2-3/3 năm nay, trong khuôn khổi đối thoại Geneve lần thứ 4, nhưng sau đó giao tranh vẫn tiếp diễn ở Syria.

Trong cuộc thảo luận kéo dài 2 tiếng đồng hồ với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tại Sochi hôm 22/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng, “hiển nhiên là tiến trình cải cách sẽ không đơn giản mà đòi hỏi có sự thỏa hiệp và nhượng bộ từ tất cả các bên, trong đó tất nhiên phải có chính phủ Syria”.

“Rõ ràng, phiến quân ở Syria đã chịu đòn giáng quyết định và giờ là cơ hội thực sự để kết thúc nội chiến kéo dài nhiều năm qua”, ông Putin nêu rõ.

Trước đó 1 ngày, hôm 21/11, Tổng thống Putin cũng đã hội đàm cấp cao với người đồng cấp Syria Bashar al-Assad trước khi thảo luận về triển vọng hòa bình cho quốc gia Trung Đông này với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Putin cho biết, cuộc gặp ở Sochi có thể khởi động cho các cuộc thảo luận thêm với Liên Hợp Quốc về hòa bình cho Syria tại Geneva (Thụy Sỹ).

Phóng viên chiến trường Musawi nhận định, với việc quân đội chính phủ Syria và các đồng minh kiểm soát phần lớn khu vực từng nằm trong tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thì triển vọng kéo dài lệnh ngừng bắn cũng khả quan hơn.

“Bước tiếp theo sau khi truy quét sạch các phần tử khủng bố và cực đoan là ngồi lại với các nhóm đối lập nào thực sự hiểu dân chủ và đối thoại nghĩa là gì”, Musawi cho biết. Theo ông, những lời kêu gọi trước đây để chính quyền Damascus đàm phán với phe đối lập đã không đem lại kết quả nào bởi vì “phần lớn những nhóm đó theo chủ nghĩa cực đoan và chủ trương phá hoại”.

Tuy nhiên, tương lai của Syria vẫn phụ thuộc vào việc các nhóm đối lập phản ứng ra sao trước những nỗ lực của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thúc đẩy các bên tìm giải pháp hòa bình.

Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng sẽ có thể thuyết phục được các nhóm đối lập ở Idlib, nơi Ankara cử quân tới tham chiến, không liên minh với Mặt trận Nusra (al-Nusra Front) và Al Qaeda để có thể bước vào các cuộc đàm phán với chính phủ Syria. Thổ Nhĩ Kỳ gần đây hâm nóng ý tưởng Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ tiếp tục nắm quyền, một động thái đi ngược lại lập trường theo Mỹ và Saudi Arabia rằng ông Assad phải ra đi.

Các nhà phân tích cho rằng không thể phớt lờ Saudi Arabia trong tiến trình hòa bình ở Syria bởi Riyadh vẫn là một “tay chơi” lớn ở khu vực. Tuy nhiên, với những gì mà Tổng thống Nga Putin và Quốc vương Saudi Arabia Salman trao đổi hôm 21/11, giới quan sát cho rằng dường như Nga đang dẫn dắt tiến trình chấm dứt xung đột tại Syria./.

 

Theo Báo VOV



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE