You are here

Nga, Pháp phản ứng thế nào trước việc Brazil có thể gia nhập NATO?

Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov ngày 20/3 đã bình luận trên Twitter liên quan đến tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Brazil có thể trở thành thành viên của NATO.

Thượng nghị sỹ Nga Puskov

Ngày 19/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ngạc nhiên với đề xuất Brazil có thể trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khi ông đón tiếp người đồng cấp Brazil, ông Jair Bolsonaro tại Nhà Trắng.

Phát biểu với báo giới tại Vườn Hồng, ông Trump nói: "Tôi muốn chọn Brazil làm một đồng minh lớn ngoài NATO hoặc thậm chí có thể là một đồng minh NATO. Tôi đã trao đổi với rất nhiều người, song có vẻ là một đồng minh NATO, thì sẽ cải thiện an ninh và hợp tác giữa các nước của chúng tôi".

Theo ông Alexei Pushkov, ý tưởng này sẽ gây sốc và kinh ngạc đối với các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ.

Ông viết: "Tôi có thể hình dung cảm giác sốc và kinh ngạc mà các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ trải nghiệm trước ý tưởng của ông Trump về việc chấp nhận Brazil có thể trở thành thành viên của NATO.... Ông Trump không hề mệt mỏi trong việc làm mất tinh thần của họ. Và khi đó sẽ không phải là NATO mà là NSATO (North & South Atlantic Treaty Organisation). Và họ sẽ phải ‘xuất khẩu dân chủ’ vào Mỹ Latinh. Nhưng liệu có đủ sức không?" 

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov đã bình luận về tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ. Nhà ngoại giao Nga nhớ lại rằng từ viết tắt NATO đề cập đến định hướng Bắc Đại Tây Dương của tổ chức này. Ông nói: "Tất nhiên, chúng ta cần phải xem xét kỹ hơn bản chất của tuyên bố này".

Quy chế đồng minh chính của Hoa Kỳ bên ngoài NATO có nghĩa là liên minh quân sự chiến lược với các quốc gia không tham gia Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Trong khi đó, Pháp ngày 20/3 dường như đã đưa ra lập trường phản đối đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng kết nạp Brazil vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song đồng thời để ngỏ cánh cửa để đưa quốc gia Nam Mỹ này trở thành một trong những “đối tác toàn cầu” của tổ chức này.

Trong tuyên bố ngày 20/3, Bộ Ngoại giao Pháp lưu ý rằng Hiến chương NATO đã đề ra quy định về “áp dụng phạm vi địa lý cụ thể”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Pháp cũng khẳng định: “NATO có thể thiết lập một cuộc đối thoại và sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác, như tổ chức này đã thực hiện với gần 40 quốc gia không phải là thành viên và các tổ chức quốc tế, trong đó có các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh”.

Theo Infonet



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE