You are here

Mỹ “nóng ruột”, Nga – Trung “hợp sức” Triều Tiên gây áp lực

Trong khi giới chức Mỹ đang tỏ ra khá “sốt ruột”, thì Nga và Trung Quốc tiếp tục “hợp lực” với Triều Tiên để gây sức ép với Mỹ dỡ bỏ 1 phần trừng phạt.

Giới chức Mỹ đang tỏ ra khá “sốt ruột”, khi tình hình bán đảo Triều Tiên có nguy cơ căng thẳng trở lại. Một loạt các quan chức cấp cao cho đến Tổng thống Mỹ ngày 16/12 đều đồng loạt lên tiếng kêu gọi Triều Tiên duy trì đối thoại về phi hạt nhân hóa. Trong bối cảnh đó, Nga và Trung Quốc tiếp tục “hợp lực” với Triều Tiên để gây sức ép với Mỹ gỡ bỏ một phần trừng phạt, nhằm tạo “không gian” cho đàm phán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại khu phi quân sự liên triều cuối tháng 6/2019. Ảnh: CNN

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/12 cho biết, ông sẽ thất vọng nếu “điều gì đó” đã hoặc sắp xảy ra ở Triều Tiên và Mỹ đang giám sát chặt chẽ tình hình.

“Chúng tôi đang theo dõi tình hình. Tôi sẽ thất vọng nếu điều gì đó “đã rồi hoặc được lên kế hoach” ở Triều Tiên. Nếu có, chúng tôi sẽ bám sát tình hình ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Triều Tiên một cách chặt chẽ nhất”, Tổng thống Trump nói.

Tuyên bố của Nhã lãnh đạo Mỹ được đưa ra sau khi Triều Tiên liên tiếp tiến hành thử nghiệm thành công các vụ thử tại bãi phóng tên lửa và vệ tinh Sohae mà Bình Nhưỡng tuyên bố là có ý nghĩa “rất quan trọng”.

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhận định, Triều Tiên có khả năng tiến hành các vụ thử như vậy nếu cảm thấy không hài lòng và đây có thể vẫn là “chiến thuật” quen thuộc để Bình Nhưỡng đạt được các mục tiêu của họ.

“Tôi đã nghiên cứu Bán đảo Triều Tiên khoảng 1/4 thế kỷ. Vì vậy, tôi đã quen thuộc với chiến thuật của họ, cùng với những phát ngôn của họ. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần nghiêm túc, ngồi xuống và thảo luận về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo. Đó là cách tốt nhất và duy nhất để chúng ta tiến về phía trước”, ông Esper nhận định. 

Nằm trong các nỗ lực kêu gọi Triều Tiên đối thoại, Mỹ mới đây cũng đã cử Đặc phái viên về Triều Tiên Stephen Biegun tới Hàn Quốc để tìm cách thúc đẩy tiến trình đàm phán với phía Bình Nhưỡng.

Tại Hàn Quốc ngày 16/12, ông Biegun cũng cho rằng những đòi hỏi và tuyên bố gần đây của Triều Tiên nhằm vào Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh ở châu Âu là “rất tiêu cực và không cần thiết”. Ông nhấn mạnh, “Mỹ không có hạn chót nào”, đồng thời khẳng định, Mỹ vẫn để mọi cánh cửa cho các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Các tuyên bố của giới chức Mỹ được đưa ra trong bối cảnh hạn chót mà Triều Tiên đưa ra để Mỹ thay đổi lập trường đàm phán vào cuối năm nay sắp kết thúc. Triều Tiên cảnh báo sẽ tìm ngã rẽ mới khi các cuộc đàm phán với Mỹ không tiến triển.

Với những lời kêu gọi duy trì đàm phán mới nhất từ phía Mỹ, Triều Tiên đến nay vẫn chưa đưa ra phản hồi nào. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc (KIDA) nhận định, Triều Tiên có thể tìm cách phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang theo nhiều đầu đạn vào năm tới, nếu các cuộc hội đàm phi hạt nhân hóa với Mỹ sụp đổ.

Để tránh viễn cảnh xấu nhất đó, hôm qua, Nga và Trung Quốc đã trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó đề nghị chấm dứt một số biện pháp trừng phạt Triều Tiên “nhằm mục đích cải thiện sinh kế của người dân nước này”.

Dự thảo kêu gọi “Mỹ và Triều Tiên đối thoại ở tất cả các cấp, nhằm thiết lập quan hệ mới, xây dựng niềm tin lẫn nhau và tham gia nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên một cách đồng bộ”.

Hiện chưa rõ bản dự thảo này có được Hội đồng Bảo an thông qua hay không, song Mỹ, Anh và Pháp đã tỏ ra không ủng hộ bước đi này khi vẫn giữ quan điểm là cần duy trì áp lực với Triều Tiên./. 

Đình Nam/VOV1



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE