You are here

Mâu thuẫn gia tăng khi bước vào các trận đánh quyết định chống IS

Với sự tranh giành ảnh hưởng của nhiều thế lực khác nhau, cuộc xung đột khu vực liệu có kết thúc một khi IS bị tiêu diệt?

Aleppo ở Syria và Mosul ở Iraq là 2 điểm chiến lược trong chiến dịch tiêu diệt hoàn toàn Nhà nước Hồi giáo (IS) đang được các lực lượng chính phủ Syrie, dưới sự hỗ trợ của Nga và Iraq, dưới sự hỗ trợ của Liên quân do Mỹ đứng đầu, tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, cũng chính từ các trận đánh quyết định này, bên cạnh mục tiêu chung là tiêu diệt IS, những mâu thuẫn đối kháng giữa Nga và phương Tây và cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các phe cánh khu vực bộc lộ ngày càng gay gắt.

Aleppo, tâm điểm mâu thuẫn Nga - phương Tây

Aleppo là thành phố lớn, nằm ở tây bắc Syria, có vị trí địa chiến lược trọng yếu. Chủ lực của lực lượng phiến quân đóng ở thành phố này không phải là IS mà là nhóm Jayish al-Islam thân Arập Xêút và phương Tây. Nếu giành lại được thành phố này, quân chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ có đà giành lại các vùng đất rộng lớn trong nội địa, qua đó sẽ tạo được thế mạnh một khi diễn ra một cuộc hiệp thương giữa các phe phái trong giai đoạn chuyển tiếp ở Syria như dự kiến.

Dưới sự hỗ trợ của không quân Nga, từ trung tuần tháng 9/2016, quân đội Chính phủ Syria đẩy mạnh chiến dịch tấn công Aleppo, giành ưu thế ở hành lang phía bắc và nhiều khu của thành phố này. Các cuộc không kích của Nga và chiến sự ác liệt khiến nhiều người chết, nhiều khu bị tàn phá và bị phong tỏa. Phương Tây phản ứng gay gắt, lên án Nga đang gây ra thảm họa nhân đạo và đòi chấm dứt ngay chiến dịch không kích. Thực ra, đó chỉ là cái cớ và mối lo thực sự của họ là nguy cơ lực lương phiến quân do họ chống lưng bị đẩy khỏi Aleppo. Từ đó, Aleppo trở thành tâm điểm mâu thuẫn Nga - phương Tây. 

Tiếp theo việc Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 9/10 vừa qua bác bỏ cả hai bản dự thảo nghị quyết về vấn đề Syria của Nga và Pháp, là việc Tổng thống Nga Putin quyết định hủy chuyến thăm Pháp dự định vào ngày 19/10, rồi đến việc cuộc gặp đa phương giữa Ngoại trưởng Nga, Mỹ cùng Ngoại trưởng các nước có liên quan nhiều đến cuộc chiến gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút, Qatar, Iran và Ai Cập tại Lausane (Thụy Sỹ) ngày 15/10 không đạt kết quả nào, mâu thuẫn Nga - phương Tây tiếp tục gia tăng.

Ngày 16/10, Ngoại trưởng của Mỹ và Arập Xêút đã tới London (Anh) để thảo luận vấn đề Syria. Ngoại trưởng Mỹ và Anh nhất trí khả năng mở rộng trừng phạt chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và những bên ủng hộ chính quyền Syria trong đó có Nga và Iran để “đáp lại” hành động tấn công lực lượng nổi dậy ở thành phố Aleppo.

Như vậy, từ vấn đề Aleppo, giờ đây mâu thuẫn không chỉ gia tăng giữa Nga với Mỹ, mà quan hệ Nga-Pháp và Nga-Anh cũng trở nên căng thẳng. Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ nêu vấn đề có gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga trong hội nghị thượng đỉnh ngày 20/10 tới tại Luxembourg.

Mặc dù vậy, Nga kiên quyết theo đuổi mục tiêu của mình tại Syria. Tổng thống Putin cho rằng lệnh trừng phạt Nga là phản tác dụng và cho biết hiện Nga chưa áp đặt các biện pháp trả đũa mới đối với các nước phương Tây, nhưng không loại trừ khả năng đó trong tương lai.

Mosul chưa giải phóng, đã tranh cãi về quyền quản lý

Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq với 1,5 triệu dân, đa số là người Sunni. Thành phố có vị trí địa- chiến lược hết sức quan trọng, nằm cách thủ đô Batđa khoảng 200 km về phía tây bắc. Từ tháng 6 năm 2014, Mosul rơi vào tay IS và trở thành một trong hai căn cứ quan trọng nhất của Califat IS. Giành lại quyền kiểm soát thành phố này là mục tiêu chiến lược của Chính phủ Iraq và Liên quân nhằm tiêu diệt hoàn toàn IS. Theo ước tính, IS có khoảng 3.000 - 5.000 tay súng cố thủ thành phố. Để chuẩn bị cho chiến dịch tái chiếm Mosul, Mỹ, Pháp có sự đầu tư rất lớn.

Từ 29/9, Pháp đã tăng cường thêm 8 chiến đấu cơ Rafale trên tầu sân bay Charle De Gaule hoạt động ở Đông Địa Trung Hải. Với tổng số 24 chiếc Rafale, tầu sân bay này đã tăng gấp 3 khả năng không kích của Pháp trong khu vực, nơi đã có 12 chiếc Rafale được bố trí tại các căn cứ ở Jordanie và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất.

Gần 500 lính Pháp đã được triển khai tại Iraq trong vai trò hỗ trợ kỹ thuật pháo binh, làm cố vấn cho các Peshmergas (chiến binh người Kurd) ở phía bắc Iraq hay đào tạo các đơn vị lính Iraq tinh nhuệ tại Batđa. Quân đội Pháp cũng bố trí 4 đại bác Caesar có tầm bắn 40 km tại căn cứ không quân Qayarah (cách Mosul 65 km), giành lại từ tay IS hồi cuối tháng 8 nhằm chuẩn bị cho chiến dịch.

Về phía Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã quyết định gửi 615 lính bổ sung cho 4.600 quân đã được triển khai trên thực địa tại Iraq.

Tuy nhiên, lực lượng chủ đạo giải phóng Mosul là quân Chính phủ Iraq và một số lực lượng khác, có thể kể:

Lực lượng Hachd Al-Chaabi, được thành lập năm 2014 sau khi lực lượng Chính phủ tan rã trước sức tấn công của IS. Lực lượng này gồm các nhóm bán quân sự, chủ yếu là người Chiite.

Lực lượng Peshmergas, là lực lượng an ninh của khu vực tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq. Họ tiến hành các hoạt động chống IS một cách độc lập. Khu vực hoạt động của họ mở rộng sau khi lực lượng Chính phủ ở miền bắc Iraq tan rã năm 2014.

Lực lượng Iran, trong vai trò chủ yếu là cố vấn và hỗ trợ đấu tranh chống IS, nhất là bằng tài chính và huấn luyện dân quân Chiite tại thực địa. Họ có quan hệ chặt chẽ với các Peshmergas người Kurd, cạnh tranh ảnh hưởng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mặt ở khu vực Kurdistan, với sự thừa nhận của chính quyền tự trị tại đây, nhưng không được Chính phủ Iraq chấp nhận. Sự hiện diện của họ là nguồn gốc của những mâu thuẫn gay gắt giữa Batđa và Ankara trong vấn đề kiểm soát khu vực.

Mặc dù cùng chung cuộc đấu tranh chống IS, song liên quân này lại bộc lộ sự yếu kém ở sự thiếu thống nhất, theo đuổi những mục tiêu riêng. Nếu như quân Chính phủ phụng sự mục tiêu của chính quyền Batđa, thì lực lượng Peshmergas lại chiến đấu vì quyền tự trị của khu vực Kurdistan bắc Iraq. Khu vực cũng có các lực lượng Chiite thân Iran và lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Những thắc mắc về quyền quản lý thành phố đã xuất hiện ngay trước khi mở màn chiến dịch (chiều 16/10). Cùng tham gia chiến dịch giải phóng Mosul, các lực lượng khác khó chấp nhận quân Chính phủ Bátđa là người duy nhất quản lý thành phố như tuyên bố của Thủ tướng Iraq Haïdar Al-Abadi.

Với sự tranh giành ảnh hưởng của nhiều thế lực khác nhau, cuộc xung đột khu vực liệu có kết thúc một khi IS bị tiêu diệt?./.

Theo VOV.VN



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE