You are here

Đức - Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng căng thẳng liên quan tới mua bán vũ khí

Chính phủ Đức vừa quyết định cấm xuất khẩu phần lớn vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ giữa lúc căng thẳng giữa hai đồng minh NATO gia tăng.

Ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ đã có những phản ứng đầu tiên, trong đó đáng chú ý nhất là việc nước này thông báo ký kết thành công thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ phía Nga – điều mà đồng minh Mỹ và NATO từng nhiều lần bày tỏ quan ngại trước đó.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters

Ngày 12/9, Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU), Omer Celik cho biết, quyết định của Đức về việc đình chỉ các hoạt động xuất khẩu vũ khí lớn cho nước này sẽ làm suy yếu cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời sẽ gây nguy hiểm đối với toàn bộ châu Âu.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô London, ông Celik cho biết: “Số vũ khí mà Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu được sử dụng vào cuộc chống khủng bố trong đó có Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và IS.

Việc ngừng xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ là hành động gián tiếp làm suy yếu cuộc chiến chống khủng bố của nước này. Tuy nhiên, điều này sẽ không gây hại cho Thổ Nhĩ Kỳ bởi chúng tôi vẫn có đủ khả năng đảm bảo an ninh quốc gia. Song một thực tế rõ ràng, các tay súng khủng bố đang tiến về châu Âu”.

Không chỉ đáp trả việc ngừng xuất khẩu vũ khí của Đức bằng những lời lẽ cứng rắn, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước đi cụ thể với việc tìm cho mình một đối tác mua bán vũ khí quân sự mới.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (12/9) dẫn lời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thông báo đã ký kết thành công với Nga thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, có khả năng tấn công mọi mục tiêu trong bán kính 400km ở độ cao lên tới 35km.

Theo ông IIgor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm phân tích thị trường vũ khí toàn cầu, thỏa thuận là một bước đi quan trọng trong hợp tác quân sự kỹ thuật giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng cảnh báo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, rằng các hệ thống tên lửa phòng không của Nga S-400 không phù hợp các tiêu chuẩn của NATO. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cảnh báo trên của Mỹ là vô căn cứ, bởi Thổ Nhĩ Kỳ từng liên hệ với NATO để mua các hệ thống phòng không.

Tuy nhiên, với lý do chính trị, Đức đã thu hồi các tổ hợp Patriot để gây một số áp lực đối với nước này. Tổ hợp Patriot không thể bao trùm tất cả các khu vực có thể bị đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hệ thống S-400 lại đáp ứng được điều này.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel thông báo việc đình chỉ các hoạt động xuất khẩu vũ khí lớn sang Thổ Nhĩ Kỳ do liên quan đến tình hình nhân quyền đang xấu đi tại quốc gia này, cũng như những căng thẳng mới đây trong mối quan hệ Đức- Thổ.

Tuy nhiên, ngày 13/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có những động thái xoa dịu căng thẳng khi cho rằng các thương vụ vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bị cấm một phần, đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh chủ chốt của Đức trong cuộc chiến chống IS.

Mối quan hệ đồng minh giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những dấu hiệu rạn nứt khi mà Đức bắt đầu chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về cách giải quyết vụ đảo chính bất thành tại nước này hồi tháng 7/2016.

Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang khi cả hai bên liên tục công kích nhau liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức, dự kiến diễn ra vào ngày 24/9 tới, cũng như việc Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, nên chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ./.

 

Theo Báo VOV



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE