You are here

Anh lún sâu vào khủng hoảng Brexit

Trong một động thái bất ngờ, Thủ tướng Anh Theresa May hôm 10-12 đã hoãn cuộc bỏ phiếu Hạ viện cho đề xuất của bà về việc đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Eu), hay còn gọi là Brexit, nhằm tránh xảy ra những tổn thất nghiêm trọng cho London.

Cũng trong ngày hôm đó, Tòa án Công lý châu Âu ra phán quyết rằng Anh có thể hủy Brexit mà không cần có sự cho phép của 27 quốc gia thành viên EU. Những diễn biến này đang gây ra sự hỗn loạn chính trị đối với nỗ lực Brexit của Anh.

Anh sa vào vòng xoáy bất ổn mới

Phương án chốt chặn đối với vấn đề đường biên giới giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều nghị sĩ thuộc các đảng phái khác nhau và ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. Những ý kiến phản đối cho rằng thỏa thuận Brexit sẽ khiến nước Anh vẫn bị phụ thuộc nhiều vào EU và DN Anh sẽ bị rơi vào thế bất lợi trong cạnh tranh kinh doanh.

Thủ tướng May cho biết sẽ tiến hành cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các nước EU để thảo luận về những thay đổi có thể đối với phương án chốt chặn cho vấn đề đường biên giới Ireland. Điều này giúp bà thuyết phục các nghị sĩ Anh rằng những biện pháp liên quan đến đường biên giới Ireland sẽ chỉ mang tính giải pháp tạm thời. Mặt khác, bà cũng cho biết Chính phủ Anh sẽ thúc đẩy chuẩn bị kịch bản Brexit mà không đạt được thỏa thuận nào trong trường hợp các nghị sĩ Anh tiếp tục phản đối thỏa thuận.

Thủ tướng May đặt câu hỏi liệu Hạ viện Anh có thực sự muốn Brexit xảy ra hay không khi bà vấp phải sự phản đối kịch liệt như vậy. Trong khi đó, Tòa án Công lý châu Âu lại đem đến hy vọng cho một bộ phận nhỏ nhưng ngày càng tăng những nghị sĩ Anh muốn tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit, khi đưa ra phán quyết rằng London có thể đơn phương hủy Brexit.

Với những diễn biến kịch tính đang xảy ra, nước Anh lại bị sa vào một vòng xoáy bất ổn mới, nhưng cả các nghị sĩ Anh và EU đều không muốn xảy ra kịch bản Brexit mà không đạt được thỏa thuận nào vì điều này sẽ gây tổn thất cho cả hai bên. Ngày 10-12 đã trở thành một ngày tồi tệ đối với Thủ tướng May và chính phủ của bà. Các nghị sĩ đối lập đã lên tiếng yêu cầu bà May từ chức còn lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn lại tuyên bố “chính phủ đã mất kiểm soát mọi việc và hiện đang trong trạng thái hoàn toàn hỗn loạn”. Còn nghị sĩ đứng đầu phe phản đối trong nội bộ đảng Bảo thủ Jacob Rees-Mogg thì đưa ra thông điệp đầy cứng rắn: “Thủ tướng phải lãnh đạo hoặc từ chức”.

Nhận định về chính trường Anh hiện nay, ông Simon Usherwood, Phó Giáo sư về chính trị học tại ĐH Surrey bình luận rằng, tình hình hiện nay "hoàn toàn hỗn loạn”. Tuy nhiên, ông cho rằng bà May sẽ không từ chức, giới chỉ trích sẽ không gây sức ép để tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và mong muốn lớn nhất của Hạ viện là tránh một kịch bản Brexit không đạt được thỏa thuận, vốn có nguy cơ xảy ra nếu họ không thể nhất trí về một điều gì khác.

Trong thời điểm bà May rơi vào tình thế éo le như vậy, Bộ trưởng thứ nhất của Scotland, bà Nicola Sturgeon tuyên bố sẽ ủng hộ Công đảng đối lập chính nếu đảng này yêu cầu tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Anh.

Nước Anh đang bị chia rẽ sâu sắc vì Brexit. Ảnh tư liệu

"Cục xương khó nhằn" Bắc Ireland

Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ đến Brussels để đàm phán lại với hy vọng đạt được sự nhượng bộ nào đó về vấn đề chốt chặn Bắc Ireland, vấn đề bị phản đối nhiều nhất. Tuy nhiên, tình trạng bất bình trong và ngoài quốc hội đã bộc lộ sự không rõ ràng về cách thức mà bà May muốn thực hiện thỏa thuận “ly hôn” với EU.

Đề xuất về phương án chốt chặn này là điều khoản nhằm đảm bảo không có biên giới cứng được dựng lên trên đảo Ireland ngay cả khi những đàm phán thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU không thành công. Do đó, giới chỉ trích cho rằng biện pháp này có thể trói buộc Anh trong quỹ đạo của EU một cách vô hạn định.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo 27 nước thành viên còn lại sẽ không tái đàm phán thỏa thuận này, kể cả phương án chốt chặn nói trên. Ông Tusk cũng đề cập khả năng sẵn sàng cho tình huống tồi tệ nhất là Anh rời EU mà không có một thỏa thuận nào. Ngay cả một vài lãnh đạo châu Âu vốn trao những lời lẽ hoa mỹ khiến bà May hy vọng có thể đạt được nhượng bộ nào đó với EU về vấn đề chốt chặn trên cũng cho rằng họ không muốn tái đàm phán. Nói về vấn đề này, bà Agata Gostynska-Jakubowska, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Cải cách châu Âu cho rằng sẽ là ngây thơ nếu cho rằng 27 thành viên EU khác sẽ chấp thuận những thay đổi cơ bản đối với đề xuất chốt chặn và một kế hoạch Brexit nhiều nhượng bộ hơn sau hàng tháng trời đàm phán ròng rã.

Hiện tình trạng bất ổn chính trị đã lan sang cả kinh tế khi đồng bảng Anh rớt xuống mức thất nhất đối với đồng bạc xanh kể từ tháng 4-2017. Giới chuyên gia cho rằng tình trạng này xảy ra là do gia tăng lo sợ khả năng không đạt được thỏa thuận Brexit. Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay cũng khiến người dân Anh hoang mang, lo lắng không biết tương lai sẽ như thế nào. Trong bối cảnh này, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng nước Anh nên tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit, hoặc trở lại với hiện trạng chính trị xưa. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là phương án Chính phủ Anh cần cân nắc kỹ lưỡng.

Theo Pháp luật & Xã hội



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE