You are here

Tràn lan mỹ phẩm không rõ nguồn gốc ở TPHCM

Những mỹ phẩm có nhãn tên hàng hiệu như MAC, 3CE, NYX, Innisfree... nhưng không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng được bày bán tràn lan các chợ ở TPHCM

Không những thế, những sản phẩm này còn được giới thiệu, phân phối công khai trên mạng internet với giá chỉ bằng một nửa hoặc thậm chí bằng 1/3 giá sản phẩm chính hãng. Vậy, cơ quan chức năng ở đâu khi để những loại sản phẩm không nguồn gốc xuất xứ được mua bán công khai? Phải chăng công tác quản lý thị trường yếu kém, hay giới buôn bán hàng nhái, hàng kém chất lượng nhờn luật?

Không khó để tìm thấy những loại mỹ phẩm có nhãn mác nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… được bày bán trong các cửa hàng ở chợ đêm Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp, TPHCM). So với các sản phẩm làm đẹp cao cấp thương hiệu của nước ngoài được bày bán trong các siêu thị, thì ở đây giá chỉ bằng một nửa. 

Bằng mắt thường, người tiêu dùng khó phân biệt được hàng nhái với hàng thật (ảnh chụp ở chợ Phạm Văn Hai)

Theo nữ nhân viên của một cửa hàng buôn bán mỹ phẩm ở chợ Hạnh Thông Tây, sở dĩ các loại mỹ phẩm dán thương hiệu nổi tiếng như: MAC, 3CE, NYX, Innisfree giá ở đây rẻ vì được sản xuất ở… Việt Nam.

 "Chính hãng em để trong nhà, cái này là hàng Việt Nam sản xuất, cũng làm mỹ phẩm “chu” nhưng không phải chính gốc “chu” làm mà nước khác làm, giá tám mươi ngàn còn chính hãng là một trăm chín mươi lăm ngàn”.

Trong vai một nhà buôn, phóng viên đặt vấn đề mua hàng số lượng lớn thì nữ nhân viên liền báo cho người quản lý tên Tâm ra làm việc. Tiếp xúc với khách lạ, thanh niên tên Tâm tỏ ra cảnh giác, trả lời rất chung chung về các mặt hàng mỹ phẩm đang bày bán, đồng thời cho biết khi nào đồng ý giao dịch thật sự thì sẽ cho biết chi tiết về nguồn gốc sản phẩm. 

Sau khi chốt được cuộc hẹn mua sản phẩm số lượng lớn, phóng viên vừa rời cửa hàng thì cũng là lúc một đôi nam nữ khoảng 30 tuổi kéo hai vali to đợi sẵn ở bên ngoài mời chào. Người phụ nữ tự giới thiệu tên là Thảo cho biết, trong vali là hàng mỹ phẩm nhập từ Thái Lan, và đây là hàng chị ta đi bán buôn cho các tiểu thương tại TPHCM.

Chị Thảo nói:“Chị bỏ sỉ hàng mỹ phẩm của Thái Lan, mặt hàng nào chị cũng có như sữa rửa mặt, làm trắng da,... chị đi hàng xách tay.”

Vừa nói, Thảo lập tức mở hai vali để giới thiệu sản phẩm. Đó là những loại mỹ phẩm như: gen bôi, viên uống, sữa làm trắng,... với giá bán buôn chỉ từ 30.000 đồng đến 160.000 đồng, nếu bán lẻ thì giá gấp 3 đến gấp 5 lần. Khi được hỏi về các giấy tờ đi cùng để chứng minh nguồn gốc thì Thảo cho biết là không có vì là hàng… nhập lậu.

Được ví như là một “thiên đường mua sắm giá rẻ”, chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) họp từ sáng sớm. Cũng giống như chợ Hạnh Thông Tây, tại đây cũng có nhiều cửa hiệu bày bán mỹ phẩm gắn tên thương hiệu nước ngoài nhưng không có tem nhãn của nhà sản xuất, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng....

Tuy nhiên, để người tiêu dùng lầm tưởng đấy là hàng chính hãng, các tiểu thương sử dụng chiêu trò để lẫn hàng nhái với hàng thật, đồng thời treo bảng “Đại hạ giá”,“Giảm giá cực sốc” hay “sale 50 – 70%”.…

Trong vai một khách tỉnh lẻ đi buôn mỹ phẩm, phóng viên ghé vào cửa hiệu ngay đầu cổng chợ. Chủ cửa hàng tên Yến đon đả mời khách, đồng thời giới thiệu các loại sản phẩm làm đẹp thương hiệu ngoại nhưng khẳng định, đây là… hàng nhái. Nếu khách hàng mua số lượng lớn, giá bán chỉ từ 30.000 đồng đến 90.000 đồng mỗi sản phẩm, tùy loại.

Người phụ nữ này còn nhiệt tình bày cách đánh lừa khách hàng, đó là phải bán hàng giá thấp hơn hàng thật một chút đỉnh, bởi nếu quá rẻ thì người mua sẽ nghi ngờ.

Chị Yến nói: "Chị bán ra cho em bảy chục ngàn, em về bán lại một trăm hai, trăm ba. Chính hãng là ba trăm ngàn một cây, chứ không ai ra chợ mua trăm mấy, nếu trăm mấy thì người ta biết không chính hãng rồi, người ta mua son ba trăm ngàn mà ra chợ trả giá một trăm ngàn, ai mà lấy son chính hãng bán một trăm ngàn."

Không chỉ ở chợ Phạm Văn Hai, chợ Hạnh Thông Tây mà tình trạng mỹ phẩm không nguồn gốc nhưng có dán nhãn mác các hãng nổi tiếng, hàng nước ngoài còn được bày bán công khai tại các chợ như: Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) hay ở các chợ đêm, chợ sinh viên, chợ công nhân thuộc Quận 12, Bình Tân, Tân Phú. Giới tiểu thương không chỉ bán lẻ mà sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách với số lượng cực lớn. Vậy, các sản phẩm giả rẻ, không rõ nguồn gốc này từ đâu ra?

Mời độc giả đón đọc bài 2 với nhan đề: Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và cách giao thương “lạ”./.

Theo VOV



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE