You are here

Hoạt động bán hàng đa cấp đang được quản lý chặt

Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp đã được phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, góp phần lành mạnh hóa hoạt động này.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện chỉ thị 02/CT-BCT của Bộ Công Thương về tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, tính đến tháng 9/2016, cả nước có 50 doanh nghiệp đủ giấy phép hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, đạt tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 452 tỷ đồng.

Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện nay vào khoảng 500.000 người, giảm 57% so với 1,162 triệu người người của cùng kỳ năm 2015.

Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, loại hình kinh doanh bán hàng đa cấp này vốn được đánh giá cao ở nhiều quốc gia trên thế giới song lại bị biến tướng tại Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận. 

Trước thực tế này, ngày 9/3/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02 về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong bán hàng đa cấp. Qua đó rà soát những quy định còn bất cập để sửa đổi Nghị định 42 theo hướng siết chặt hơn nữa loại hình kinh doanh này để trình Chính phủ thông qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các mức xử phạt quy định tại Nghị định 42 chưa đủ sức răn đe. Do vậy, Nghị định sửa đổi đang được các đơn vị chức năng Bộ Công Thương soạn thảo theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đồng thời siết chặt hơn nữa các hoạt động bán hàng đa cấp theo hướng bảo vệ đại đa số những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, 48 Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả cho thấy 26 doanh nghiệp trên tổng số 48 công ty nằm trong diện kiểm tra có dấu hiệu vi phạm và bị xử phạt với số tiền lên tới gần 4,5 tỷ đồng.

Đã có ít nhất 9 doanh nghiệp bị Cục Quản lý cạnh tranh rút giấy phép hoạt động và bị xử phạt với số tiền lên đến gần chục tỷ đồng.

“Các vi phạm phổ biến gồm không đăng ký hoạt động, tự ý thay đổi hồ sơ, khuyến mãi “chui”, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo mạng lưới quy mô lớn mà không thông báo, không xin... Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng kiểm tra chuyên đề và xử lý 11 doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng chưa có giấy chứng nhận với tổng số tiền phạt là 653 triệu đồng”, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.

Với sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các lực lượng từ trung ương đến địa phương, nhiều hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp đã được phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, góp phần lành mạnh hóa hoạt động bán hàng đa cấp, hạn chế các hành vi bán hàng đa cấp bất chính ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người tham gia và người tiêu dùng.

Được biết, hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để trình Chính phủ thông qua./.

Theo VOV.VN



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE