You are here

Cho ý kiến về nội dung ba dự án luật

Tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ bảy của kỳ họp thứ hai, sáng 27-10, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường nghe các Tờ trình về dự án Luật Quản lý ngoại thương; dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) (sửa đổi); dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Đoàn đại biểu QH thành phố Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ. Ảnh: ĐĂNG KHOA

 

Tờ trình dự án Luật Quản lý ngoại thương do Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trình bày trước QH nêu rõ việc xây dựng một đạo luật về quản lý ngoại thương có tính định hướng rõ ràng, phù hợp quan điểm của Đảng, Nhà nước, ổn định, minh bạch, thống nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết. Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị tiếp tục rà soát sự phù hợp của dự án luật với Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; công khai, minh bạch danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tránh có sự mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác; luật hóa tối đa các quy định của các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn; giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định chi tiết; rà soát những điều chỉ có nội dung giải thích từ ngữ, bố cục chương, mục, tiểu mục ngắn gọn, chặt chẽ.

Tờ trình về dự án Luật TNBTCNN (sửa đổi) nêu, sau hơn 6 năm thi hành, luật TNBTCNN năm 2009 đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung. Tuy nhiên luật hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thiệt hại được bồi thường chưa được cập nhật nên không đầy đủ, thiếu đồng bộ với những thay đổi trong quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và các quy định trong các bộ luật, luật mới ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và dự án Luật TNBTCNN (sửa đổi), nhiều đại biểu nhận định, các dự án luật nêu trên đã thể hiện rõ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về các chính sách trong việc trợ giúp pháp lý và TNBTCNN. Đối với dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), một số đại biểu đề nghị làm rõ hơn các loại đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không thể thuê người trợ giúp pháp lý, nên tách riêng hai loại đối tượng được trợ giúp pháp lý. Dự án luật này cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động bổ trợ tư pháp; kết hợp quản lý nhà nước với tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Trong đó, mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa trong dự án luật chưa rõ nét, gây hạn chế mức độ xã hội hóa. Nếu dự án luật không được thay đổi theo hướng thông thoáng hơn, nhiều tổ chức đang tham gia trợ giúp pháp lý sẽ phải ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Đa số đại biểu tán thành quy định nâng cao tiêu chuẩn của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, quy định này cần phải thực hiện theo lộ trình, tránh gây hạn chế, vướng mắc cho quá trình đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật của QH đề nghị dự thảo luật cần xác định rõ chủ thể có trách nhiệm giải quyết bồi thường, nguồn kinh phí bồi thường; các quy định về trình tự, thủ tục bồi thường cần bảo đảm đơn giản, thuận tiện, chặt chẽ, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc lựa chọn hình thức giải quyết yêu cầu bồi thường, cần nghiên cứu bổ sung quy định cá nhân, tổ chức bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền lựa chọn hoặc khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án hoặc giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này. Quy định này tạo cơ chế hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thể hiện đúng tính chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...

Các đại biểu QH cũng đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Theo Báo Pháp luật TPHCM



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ PHÁT SÓNG

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE