You are here

Tránh máy móc, gây khó cho doanh nghiệp

Các quy định, chính sách về phát triển ngành ô tô đã rất đầy đủ, rõ ràng và cần phải hiểu, vận dụng cho thống nhất. Tránh hiểu máy móc, đơn phương áp dụng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là chia sẻ của các đại biểu, chuyên gia tại Hội thảo chính sách phát triển xe ô tô thân thiện với môi trường, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức ngày 20.4, tại Hà Nội.

Lý do “không cắm sạc ngoài”

Theo Tổng giám đốc Toyota Việt Nam Toru Kinoshita: Để hướng tới một xã hội xanh hơn, đặc biệt ủng hộ Chính phủ Việt Nam khuyến khích các dòng xe thân thiện với môi trường, thông qua việc giảm mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt, Toyota đã giới thiệu loại xe kết hợp giữa động cơ xăng và mô tơ điện vào Việt Nam. Điện năng được tái sinh trong quá trình vận hành, sẽ tự tích lũy vào ắc quy. Khi tăng tốc, năng lượng điện này sẽ được tái sử dụng để chạy mô tơ điện vì vậy tránh được sự lãng phí. Tuy nhiên, Toyota Việt Nam đang đứng trước khó khăn không được ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, vì lý do dòng xe của hãng tự sạc điện trong quá trình vận hành, “không cắm sạc ngoài”?

Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai lý giải: Loại xe chạy bằng động cơ xăng kết hợp sử dụng động cơ điện chạy bằng năng lượng do chuyển hóa từ nhiên liệu xăng hoặc xe sử dụng động cơ điện do máy phát điện chạy xăng là xe chạy hoàn toàn bằng xăng, không phải xe “chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện” nên không thuộc diện áp dụng mức thuế suất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Máy móc trong cách áp dụng

Góp ý tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, hiện các chính sách thuế như, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã cơ bản đáp ứng trong hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp phát triển xe điện, xe Hybrid (thân thiện với môi trường). Tuy nhiên, vấn đề ở đây Bộ Tài chính đã quá “máy móc” khi áp dụng chính sách. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh: Trong hai tiêu chí Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định thì tiêu chí quan trọng nhất vẫn là tiêu chí xăng sử dụng không quá 70% tổng số nhiên liệu sử dụng cho xe, chứ không chỉ cứng nhắc việc yêu cầu xe phải có cắm sạc từ nguồn điện lưới bên ngoài thì mới là xe điện? Trên thực tế, với cải tiến kỹ thuật vượt trội, không cần bộ sạc điện cắm ở ngoài, mà điện vẫn được tạo ra trong quá trình chuyển động, đặc biệt giảm được hơn 40% mức tiêu hao nhiên liệu, vấn đề cách vận dụng cơ quan thuế thế nào mà thôi, ông Tùng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh vấn đề chính sách, ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) dẫn lại 3 câu chuyện khiến các doanh nghiệp “nản lòng”, trong đó câu chuyện về Nghị định 49 của Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Theo đại biểu Thường, vấn đề không phải là công nghệ hay khó khăn tài chính mà sợ nhất tính “đồng bóng” của người làm chính sách. “Nếu chính sách không ổn định thì rất khó để khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển đất nước.

Cơ bản nhất trí với các đại biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh cho biết: Thế giới đang bước sang cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Để tồn tại và phát triển doanh nghiệp phải nâng cấp mình lên, hướng tới đạt chuẩn quốc tế và khu vực. Việc Toyota Việt Nam quyết tâm đổi mới, ứng dụng các công nghệ thân thiện môi trường vào sản xuất ô tô là nỗ lực không chỉ hướng tới mục tiêu một xã hội xanh hơn mà còn thực hiện theo định hướng của Chính phủ khuyến khích các dòng xe thân thiện môi trường. Các quy định, chính sách về phát triển ngành ô tô hiện đã rất đầy đủ, rõ ràng, vấn đề chúng ta phải hiểu, vận dụng cho thống nhất. Tránh hiểu máy móc, đơn phương áp dụng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Đại biểu Nhân dân



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE