You are here

Thiếu hụt lao động vẫn là rào cản lớn cho phục hồi kinh tế

Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ và đặc biệt của ngành lao động, thị trường lao động của Việt Nam đã có sự phục hồi trong quý II. Tuy nhiên, các ngành dịch vụ, du lịch, bán hàng, kinh doanh, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, xuất khẩu thực phẩm… vẫn liên tục tuyển dụng do thiếu hụt nhân lực. Theo các chuyên gia, cần có chính sách để phát triển nhân lực và nguồn cung nhân lực. Điều này có ý nghĩa sống còn với các hoạt động xuất khẩu, sản xuất, thu hút đầu tư... 

“Khát” nhân lực ở nhiều ngành nghề

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, hiện tại, đơn vị đã tiếp nhận nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, với đa dạng lĩnh vực, ngành nghề, tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực như dịch vụ, du lịch, bán hàng, kinh doanh, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, xuất khẩu thực phẩm… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà máy cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều công nhân lao động sản xuất.

Thiếu hụt lao động vẫn là rào cản lớn cho việc phục hồi kinh tế. Nguồn: ITN

Còn tại khu vực phía Nam, dự báo từ nay đến cuối năm, TP. Hồ Chí Minh cần 135.000 - 150.000 công nhân và nhiều khả năng tiếp tục thiếu lao động, đặc biệt trong những tháng cao điểm cuối năm. Còn theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương, các doanh nghiệp của tỉnh hiện cần tuyển dụng thêm khoảng 70.000 lao động. Nhiều địa phương phía Nam đang ráo riết thực hiện chính sách thu hút và giữ chân lao động ở lại làm việc.

Navigos Group - tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự vừa công bố thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam. Theo đó, ngành ngân hàng đang có xu hướng tuyển dụng từ trong quý 2 với các vị trí thuộc về ngân hàng giao dịch, ngân hàng doanh nghiệp lớn, quản trị rủi ro.

Đối với mảng chuyển đổi số, các nhà tuyển dụng mong muốn tuyển các ứng viên có kinh nghiệm triển khai tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, có rất ít các ứng viên đáp ứng được yêu cầu nên dẫn đến có sự cạnh tranh về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Cũng theo đại diên của tập đoàn Navigos Group, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông tiếp tục tăng. Các vị trí tuyển dụng chủ yếu là các vị trí thiên về kỹ thuật: Phát triển phần mềm, kỹ thuật dữ liệu, kỹ sư DevOps, kỹ sư Trí tuệ nhân tạo (AI)… và các vị trí không thiên về liên quan đến kỹ thuật như Trưởng phòng kinh doanh… Các vị trí tuyển dụng chủ yếu ở cấp trung thay vì cấp cao, do đây là phân khúc có biến động nhiều nhất sau dịch Covid-19.

Ngành thực phẩm cũng gặp những khó khăn tương tự, từ đầu năm đến nay, Công ty Duy Anh Foods (TP. Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất bún, bánh tráng... xuất khẩu với nhu cầu khoảng 250 - 300 công nhân, luôn trong cảnh thiếu hụt lao động, hiện chỉ tuyển được 60 - 70% so với nhu cầu. Theo đại diện đơn vị này, nếu tuyển được đầy đủ số lao động, doanh nghiệp có thể tăng sản lượng xuất khẩu thêm 30 - 40%, thay vì chỉ xuất khoảng 34 tấn hàng mỗi ngày như hiện nay.

Do không chủ động về mặt nhân sự nên rất nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như may mặc, thực phẩm, nông sản phải áp dụng phương pháp “làm tới đâu xuất tới đó”. Điều này dẫn tới việc chỉ đáp ứng được 60 - 70% nhu cầu của đối tác, đặc biệt là một số sản phẩm gia công (may mặc, da giày) nếu không có chiến lược tăng cường nhân sự có thể dẫn tới mất mối làm ăn.

Cần thay đổi tư duy về sử dụng nhân lực

Theo ý kiến của ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên vì tuyển liên tục vẫn không đủ lao động, đặc biệt lĩnh vực sử dụng nhiều nhân lực như may mặc, giày da và các công việc dịch vụ kho bãi, giao nhận, xuất nhập khẩu, kinh doanh. Dịch Covid-19 kéo dài, nhiều lao động về quê, ngành dịch vụ chuyển qua làm online nên nhiều người lao động giờ đã quen việc, không muốn bó buộc, dẫn đến nguồn nhân lực thiếu ổn định, dịch chuyển rất nhanh. Ngoài ra, chi phí đi lại tốn kém do giá xăng dầu tăng nên không ít lao động chọn nghỉ việc.

Theo ông Trần Việt Anh, khái niệm "tận dụng nguồn lao động dồi dào tại Việt Nam" đã không còn đúng và điều quan trọng hiện nay là phải cân đối ngành đào tạo tại các trường cho phù hợp với nhu cầu thực tế về lao động. Ví dụ, ngành bao bì có nhu cầu lao động rất lớn và doanh nghiệp FDI đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này nhưng những trường đào tạo ngành này trong nước lại đang chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tương tự tái chế là ngành kinh tế tuần hoàn, nhà nhập khẩu nào cũng yêu cầu hàng tái chế nhưng Việt Nam lại không tìm ra cơ sở đào tạo nhân lực ngành này, doanh nghiệp muốn có người phải tự mày mò đào tạo với thời gian lâu, chi phí lớn. "Nhà nước nên ưu tiên hơn nữa khâu đào tạo nhân lực cho các ngành xuất khẩu đem về ngoại tệ hoặc những ngành doanh nghiệp FDI đang chú trọng đầu tư, nhằm dễ đáp ứng nguồn cung, thừa hưởng công nghệ khi họ rút đi" - ông  Việt Anh nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh, cần khuyến khích doanh nghiệp tăng cường cơ giới hóa để tăng năng suất, tiết giảm nhân công. Với ngành nông nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi xây dựng nhà máy, doanh nghiệp cần khảo sát nguồn lao động tại chỗ, liên kết với chính quyền để đặt hàng, đào tạo trước lao động. Ngoài ra, phải có phương án liên kết để giãn vụ, đa dạng mùa vụ nhằm có nguồn cung đều, ổn định giúp giữ chân người lao động.

Tùng Dương



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE