You are here

Sớm có đối sách với thuế tối thiểu toàn cầu

Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam lần đầu tiên được khởi xướng thảo luận trong một hội thảo giữa tháng 6 vừa qua. Khái niệm “thuế tối thiểu toàn cầu” tương đối mới mẻ ở nước ta song lại là vấn đề lớn, đòi hỏi Chính phủ sớm có đối sách để không thất thế trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), một sáng kiến của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Vào cuối năm 2021, 137/141 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của BEPS (bao gồm Việt Nam) đã thông qua thỏa thuận khung về áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào cuối năm 2023. Theo đó, các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro (tương đương 870 triệu USD) trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở mức 15%. Các công ty hưởng thuế suất thấp hơn mức 15% tại quốc gia đầu tư sẽ phải nộp bổ sung khoản chênh lệch tại nước đặt trụ sở chính.

Tuy chưa có đánh giá cụ thể song những quốc gia sử dụng ưu đãi thuế như công cụ chính để thu hút FDI như Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh khi thỏa thuận này được thực thi.

Trước hết, nước ta sẽ gặp một số thách thức trong việc duy trì tính cạnh tranh của môi trường đầu tư với những doanh nghiệp đa quốc gia lớn đang hoạt động tại nước ta và nằm trong phạm vi áp dụng của chính sách này. Thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến ưu đãi thuế mà các công ty con và chi nhánh của những doanh nghiệp này đang được hưởng tại nước ta, theo đó có thể tác động đến các quyết định về mặt đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Số lượng các nhà đầu tư thuộc diện này không nhiều nhưng họ có vai trò lôi kéo và dẫn dắt chuỗi cung ứng, đồng thời phần nào định hình cơ cấu vốn và ngành nghề mà các doanh nghiệp FDI chọn đầu tư tại nước ta. Vì vậy, ảnh hưởng họ tạo ra không hề nhỏ.

Mối lo ngại thứ hai là nước ta có thể thất thế trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI khi công cụ ưu đãi thuế không còn “hiệu nghiệm” nữa. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Việt Nam “được lòng” các nhà đầu tư nhờ có môi trường chính trị ổn định,  kinh tế tăng trưởng nhanh và nhiều yếu tố hấp dẫn khác - trong đó, việc ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đầu năm nay, để thu hút thêm “đại bàng” và đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển “hậu” Covid-19, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, tùy vào việc đáp ứng được đến mức độ nào các tiêu chí mà Chính phủ đặt ra, các nhà đầu tư chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các mức lãi suất 5%, 7% và 9% trong vòng 30 - 37 năm. Tuy nhiên, với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%, thậm chí Mỹ dự kiến áp dụng ở mức 21%, thì các biện pháp ưu đãi thuế đó sẽ bị vô hiệu hóa. Mục tiêu thu hút “đại bàng” của Việt Nam có thể vì thế mà bị ảnh hưởng.

Đi cùng với những lo ngại này là thách thức trong việc phải đa dạng hóa chính sách thu hút đầu tư. Các chuyên gia gợi ý Việt Nam cần thay đổi chính sách theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng… bởi đây là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, việc này không đơn giản và cũng không thể đạt được trong một sớm một chiều.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là không thể đừng và thời gian cũng không còn nhiều. Với tác động dự kiến lớn, lâu dài và tính cấp thiết của thuế suất tối thiểu toàn cầu, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm đánh giá chuyên sâu tác động của chính sách này đối với môi trường đầu tư tại nước ta và đưa ra giải pháp để vừa bảo vệ được lợi ích của mình, vừa bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư và vẫn thu hút được “đại bàng” đến làm tổ.

Hà Lan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE