You are here

Sản xuất ô tô trong nước: Ngóng chờ chính sách hỗ trợ để tồn tại

Sau 2 năm nỗ lực đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh để “chiến đấu” với xe nhập khẩu nguyên chiếc được ưu đãi thuế về 0%, ô tô sản xuất trong nước đã bắt đầu có dấu hiệu “hụt hơi”. Dù đã chịu lỗ, giảm giá, kích cầu…, nhưng lượng hàng tồn kho ngày một tăng cao. Các doanh nghiệp đang mòn mỏi chờ các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Chi phí sản xuất cao

10 tháng đầu năm 2019 đã có 120.000 ô tô các loại NK vào Việt Nam (tăng 125% so với cùng kỳ năm trước) với kim ngạch khoảng 2,7 tỷ USD. Ước tính cả năm xe nhập khẩu sẽ đạt con số 140.000 xe với kim ngạch vượt 3 tỷ USD. Lượng xe này đã và đang gây sức ép rất lớn với ngành sản xuất ô tô trong nước. 10 tháng đầu năm đã sản xuất, lắp ráp đạt 284.200 chiếc, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Ước hiện các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ được khoảng 240.000 xe, lượng tồn ước tính khoảng 40.000 xe. Lượng NK chưa tiêu thụ được ước tính vào khoảng 15.000 xe. Thị trường ô tô bắt đầu rơi vào cảnh ứ thừa, xe trong nước đang bị cạnh tranh khốc liệt với xe nhập khẩu, nhất là xe từ các nước trong khu vực.

Ông Lê Ngọc Đức- Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công cho biết: Sản phẩm ô tô trong nước khó có thể cạnh tranh về giá thành so với sản phẩm nguyên chiếc NK từ ASEAN. Bởi hiện chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn 10-20% so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân, theo ông Đức: Thứ nhất, do sản lượng sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp còn thấp, kéo theo chi phí sản xuất trong nước cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực vốn có ngành công nghiệp ô tô phát triển mạnh mẽ từ nhiều năm. Thứ hai, hiện tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô tại Việt Nam còn thấp, nên rất khó để ngành công nghiệp ô tô có thể xây dựng được hệ thống công nghiệp hỗ trợ theo kịp các nước trong khu vực. Thứ ba, cơ cấu thuế, phí, lệ phí (trong đó có thuế TTĐB đối với xe dưới 9 chỗ) nhìn chung cao hơn các nước trong khu vực.

Với thực tế này, xe sản xuất trong nước khó lòng cạnh tranh được với xe sản xuất tại các nước khác, chưa cần xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực được hưởng thuế NK ưu đãi 0% (hiện là từ các nước ASEAN, sau 7-10 năm nữa là từ các nước châu Âu theo Hiệp định ATIGA).

Ông Lê Ngọc Đức cho biết thêm: 2 năm qua, Thành Công đã hết sức nỗ lực đầu tư, giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, vươn lên trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường xe dưới 9 chỗ. Tuy nhiên với khoảng cách chêch lệch về giá do lợi thế được hưởng thuế ưu đãi 0%, xe nhập khẩu đang dần “ép chết” sản xuất trong nước. Sản xuất trong nước đang thực sự rơi vào giai đoạn khó khăn, cần có ngay “đòn bẩy” hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước.

Cũng khó khăn tương tự, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết: Lượng xe tồn kho của các doanh nghiệp hiện khá lớn, một mặt do dự báo sức tiêu thụ năm 2019 của các hãng đưa ra hồi đầu năm lạc quan hơn thực tế, mặt khác do nguồn cung từ sản xuất, đặc biệt là nhập khẩu tăng nhanh.

Mòn mỏi chờ quyết sách

Phát biểu tại Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng, nếu trong tương lai gần không có những biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước, tỉ trọng xe sản xuất trong nước có thể theo chiều hướng thấp hơn xe nhập, trong khi thị trường ô tô Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh. Khi đó, lượng ngoại tệ chi cho nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ tiếp tục tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ nghiên cứu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp ô tô, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. "Sẽ có chính sách hỗ trợ nhằm giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc", vị này khẳng định.

Trên thực tế, sau thời gian khá dài tổ chức nhiều buổi làm việc khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, họp bàn… Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng như các ban ngành chức năng đã thống nhất đề xuất ra một số chính sách quan lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ô tô.

Tuy nhiên đến nay các đề xuất này vẫn đang ở giai đoạn “chờ quyết”.

Và điểm mà các doanh nghiệp hết sức nóng ruột là thờ gian chờ quyết sách này sẽ kéo dài đến bao giờ?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai:

Hiện các doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi 5 năm từ Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Trong đó Nghị định đưa ra mức ưu đãi thuế nhập khẩu 0% đối với các linh kiện sản xuất ô tô trong nước chưa sản xuất được. Bộ Tài chính đang sửa đổi và dự kiến sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125 trong tháng 12/2019 theo hướng tạo thuận lợi, nhiều ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô.

(Phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019)

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương:

Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường khả năng thu hút nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, phát triển CN hỗ trợ ngành ô tô còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tạo lập mạng lưới các nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc gia.

Ông Bùi Quang Hải - Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng:

Cần xem xét chính sách thuế TNDN, thuế TTĐB và kể cả thuế đất nếu xác định đây là ngành quan trọng. Chúng ta không thiếu văn bản chính sách nhưng ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô chưa phát triển được là do chính sách chưa đủ mạnh. Đối với thị trường, nên có chính sách như thế nào đối với người tiêu dùng. Nếu chúng ta xác định “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thì phải xem xét lại chính sách lệ phí trước bạ khi có địa phương áp mức thu 12%.

Ông Lê Ngọc Đức- Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công:

Chính phủ nên sớm xem xét giảm thuế TTĐB đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất ô tô trong nước. Đồng thời, thuế nhập khẩu nguyên liệu linh kiện cũng phải về 0% để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô trong nước. Ngoài ra, cần đưa sản phẩm ôtô vào danh mục "sản phẩm công nghệ cao” cũng như có quỹ phát triển và hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu về cơ khí chế tạo. Đồng thời nghiên cứu ban hành hàng rào kỹ thuật đối với ôtô nhập khẩu trên cơ sở xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam với xe nhập khẩu để tăng cường quản lý, phù hợp với cam kết quốc tế.

Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco:

Chính phủ cần có chính sách đúng đắn, kịp thời. Nên xem xét bỏ tiêu chuẩn để được áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện ô tô để sản xuất trong nước. Vì khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.

Đồng thời cần sớm xem xét giảm thuế nguyên liệu để sản xuất linh kiện, vật tư ô tô về 0%. Khi giảm thuế nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra linh kiện thì chắc chắn giá thành sẽ giảm và kéo giá xe sản xuất trong nước giảm. Cũng tương tự như vậy là xem xét giảm thuế TTĐB đối với các linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Khi giảm thuế này, chắc chắn tỉ lệ nội địa hóa xe trong nước sẽ tăng và giúp giá xe giảm.

Bà Đỗ Thu Hoàng- Phó Tổng giám đốc Toyota Việt Nam:

Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành các chính sách nhằm duy trì và thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, dài hạn. Các chính sách hỗ trợ để giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe CKD và xe CBU dựa trên nguyên tắc đảm bảo đối xử công bằng, minh bạch với tất cả các nhà sản xuất xe và phù hợp với thông lệ, thực tiễn quốc tế. Các chính sách về ưu đãi thuế TTĐB nên bình đẳng về cơ hội được hưởng ưu đãi cho tất cả các nhà sản xuất xe, không tạo ta mức biến động lớn trên thị trường. N.H (ghi)

 

Theo Báo Hải Quan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE