You are here

NHNN độc quyền kinh doanh vàng tài khoản: Ai thắng?

Cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu, sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn.

Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa đề xuất được độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng, LS Trương Thanh Đức nói rõ là vô lý.

"Như vậy, theo nội dung dự thảo có thể hiểu rằng việc huy động vàng và mở sàn vàng sau bao nhiêu năm bị cấm, nay đã được thực hiện và NHNN độc quyền luôn.

Ở đây có hai vấn đề, một là NHNN độc quyền huy động vàng miếng và hai là NHNN kinh doanh vàng trên tài khoản, tức là NHNN làm thay việc của một NHTM. Xét về bản chất thì NHNN thực hiện chức năng ổn định giá trị cho đồng tiền, nhưng đồng thời cũng có thể đẩy NHNN đứng trước rủi ro", ông Đức nói.

Ông Đức phân tích, việc kinh doanh vàng trên tài khoản, bản chất cũng giống như kinh doanh ngoại hối hiện nay. Người muốn tham gia phải có tài khoản, chủ sàn vàng là NHNN có vàng vật chất để đảm bảo thực hiện các giao dịch. Như vậy, nếu thực hiện theo đề xuất này NHNN sẽ có được một số lượng vàng không nhỏ từ phía người dân gửi vào để chơi. Trong khi đó, NHNN lại là người độc quyền được thực hiện các giao dịch trên, điều này cũng có nghĩa NHNN đã đạt được cả hai mục đích "vừa hút được vàng trong dân mà vừa đảm bảo lãi lớn".

Còn về phía người chơi, ai chơi sẽ phải đổ tiền vào, có người mua cao sẽ có người bán thấp, có người thắng sẽ có người thua nhưng để tính toán kỹ lưỡng tổng chi phí để thực hiện các giao dịch mua bán tại sàn thì chênh lệch người chơi được hưởng gần như không có. Hoạt động trên chỉ đảm bảo về mặt thanh khoản, tạo ra sự luân chuyển liên tục của dòng tiền chứ không tạo ra lợi nhuận bền vững.

Về đề xuất độc quyền huy động vàng. Ông Đức cho rằng, việc huy động vàng lâu nay không có nước nào dám huy động vàng vì nó ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Tại Việt Nam, quan điểm huy động vàng cũng vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Bản chất việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế. Vàng hiện được cất giữ trong dân, như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản.

Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu, sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn. Đây sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vàng hóa trở lại.

Mặt khác, NHNN muốn huy động được vàng thì phải có giải pháp để người dân thấy tin tưởng mà tự nhả vàng ra. Nó cũng giống với câu chuyện, muốn khuyến khích người nông dân sản xuất thực phẩm an toàn, nguồn cung quy mô lớn, giá thành rẻ thì Nhà nước phải đứng ra tổ chức thị trường, phải có những chính sách hỗ trợ về thuế quan... Việc định hướng người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, hay khuyến khích vay vốn... tất cả không phải là gốc của vấn đề. Không cẩn thận, còn đẩy người nông dân vào cảnh khốn cùng, cũng giống như câu chuyện khuyến khích ngư dân vay tiền, đóng tàu cá vỏ thép, kết quả là ngư dân trắng tay.

Khi chưa có được những điều kiện bảo đảm, rất khó để người dân nhả vàng ra.

Một vấn đề quan trọng nữa là đối với thị trường vàng, mỗi lần chính sách thay đổi là giá vàng biến động khôn lường. Như vậy các chính sách, chứ không phải cung cầu, mới là biến số chính tác động mạnh nhất đến giá vàng.

Rủi ro tài khóa và tiền tệ cũng sẽ rất khó lường. Điều gì sẽ xảy ra tại thời điểm đáo hạn phải trả lại vàng cho người dân nếu như giá vàng và tỷ giá biến động? Liệu Nhà nước có phải lấy tiền từ ngân sách quốc gia, từ tiền thuế của dân để bù lỗ?

Ông Đức thừa nhận, việc mở sàn vàng là yêu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế hội nhập, sớm muộn cũng phải làm. Tuy nhiên, mở sàn vàng với mục tiêu gì và ai là người đứng ra làm thì phải tính toán cho kỹ.

"Dễ thấy khi NHNN độc quyền kinh doanh vàng tài khoản, cũng có nghĩa NHNN đang cùng lúc đảm nhận cả hai vai: Là người tổ chức thị trường đồng thời cũng là nhà cái, kiêm luôn cả môi giới...

Hoạt động trên có phần giống với cách điều hành thị trường ngoại hối, khi NHTM cần bán ra thì NHNN có tiền lại mua vào. NHNN hoàn toàn  nắm quyền chủ động, thu giữ các đầu mối lớn, và có quyền chi phối toàn thị trường, do đó, trong lịch sử NHNN đã thu được khoản lãi vô cùng lớn từ các hoạt động ngoại hối.

Người chơi muốn kiếm được lợi trong trường hợp này là không dễ", ông Đức cảnh báo.

·Hoài An

 

Theo Đất Việt



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE