You are here

Nhiều trạm BOT 'xin' giảm phí

Những ngày gần đây, nhiều chủ đầu tư, địa phương đã chủ động đề xuất di dời trạm thu phí BOT, giảm phí cho phương tiện... Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục đường bộ tích cực vào cuộc phối hợp với địa phương, doanh nghiệp tìm giải pháp tối ưu cho vấn đề nóng phí qua trạm BOT. 

Trạm thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Chủ động đề nghị rời trạm, giảm phí 

Ngày 13/12, Tổng cục đường bộ đã họp với UBND tỉnh Quảng Trị, cùng Công ty TNHH BOT Quảng Trị để thống nhất phương án giảm phí qua trạm này. Tại cuộc họp, các bên thống nhất giảm giá qua trạm cho người dân Đông Hà, Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị, trong bán kính 10 km từ trạm thu phí. Mức giảm áp dụng 100% cho phương tiện công cộng, 50% cho phương tiện không kinh doanh và 40% cho phương tiện khác.

Trước đó, ngày 11/12, một số tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm thu quốc lộ 5, khiến tuyến đường này ùn tắc. Lập tức, đơn vị thu phí - Tổng Cty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) đề xuất giảm phí, miễn phí cho người dân quanh trạm thu phí, lãnh đạo Bộ GTVT lên tiếng trấn an người dân. 

Dù chưa chính thức thu phí, nhưng tỉnh Thái Nguyên đã có đề nghị Bộ GTVT dời trạm thu phí trên quốc lộ 3 (để thu hồi vốn đầu tư dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới, Bắc Kạn). Dù dự án đã xong gần 1 năm, chưa thu phí nhưng nhiều chủ xe đã căng băng rôn, biểu ngữ để phản đối việc thu phí trên quốc lộ 3 - tuyến đường cũ được đầu tư bằng ngân sách. Hoặc tỉnh Lạng Sơn cũng có văn bản đề nghị tới Bộ GTVT bỏ bớt trạm thu phí trên quốc lộ 1A (để thu hồi vốn dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn).

Để giảm căng thẳng tại các trạm thu phí trên quốc lộ 5, Vidifi đã báo cáo Bộ GTVT 2 phương án giảm phí. Cụ thể, giảm phí từ mức 40.000 đồng/lượt xuống còn 35.000 đồng hoặc 30.000 đồng đối với xe cơ sở (loại xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn), các phương tiện lớn hơn cũng sẽ giảm theo. Với các chủ xe có hộ khẩu quanh trạm đề xuất cho miễn, giảm giá đối với xe chở người dưới 12 chỗ và xe tải dưới 2 tấn không kinh doanh; giảm 20% giá đối với xe kinh doanh vận tải.

Với trạm thu phí quốc lộ 3 (Thái Nguyên), sau đề xuất của địa phương, Bộ GTVT đã họp với các bên liên quan. Chủ đầu tư cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (được giao thu phí quốc lộ 3 để thu hồi vốn), đã đề xuất 3 phương án giải quyết. Theo đó, vẫn thu phí cả trên quốc lộ 3 và cao tốc mới, nhưng giảm giá cho người dân khu vực trạm thu phí. Hoặc bán một phần dự án (khoảng 2.000 tỷ đồng), hoặc toàn bộ dự án (khoảng 3.000 tỷ đồng) cho nhà nước. Tuy nhiên phương án nhà nước mua lại trạm thu phí khó khả thi, do ngân sách khó khăn.

Ngoài ra phương án nối dài quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên thành cao tốc và thu phí để hoàn vốn, bỏ trạm thu phí trên quốc lộ 3 cũng được đưa ra. Tuy nhiên, phương án nào được chọn vẫn còn phải nghiên cứu thêm. Trước mắt, chủ đầu tư vẫn tiến hành thu phí trên cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới. Trên quốc lộ 3, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương án miễn, giảm phí. 

 

Với trạm thu phí trên quốc lộ 1A để thu hồi vốn dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, để giải quyết, Bộ GTVT đã trình Chính phủ 2 phương án. Theo đó, cho ghép cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị và thu phí toàn tuyến, bỏ 1 trạm thu phí trên quốc lộ 1A. Phương án 2 là lập dự án BOT độc lập cho đoạn cao tốc Chi Lăng – Lạng Sơn.

Muốn bỏ thu phí nhà nước phải mua lại

Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Vidifi – chủ đầu tư BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, được giao thu phí quốc lộ 5 cho biết: Những ngày qua, chỉ có vài xe cố tình qua trạm thu phí và trả bằng tiền lẻ. Những xe này qua trạm vài trăm mét lại quay đầu ngược lại vào trạm để cố tình gây ùn tắc. Mỗi xe này dừng ở trạm thu phí khoảng 30 phút và thường chọn giờ cao điểm sáng - tối để qua trạm gây ùn tắc. 

Theo ông Chiến, việc thu phí trên quốc lộ 5 được Thủ tướng quyết định giao cho Vidifi từ năm 2007 để thu hồi vốn dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nhưng tới năm 2016 đơn vị này mới chính thức thu phí (khi cao tốc đã hoàn thành). Tính tới thời điểm này, tổng số thu phí trên quốc lộ 5 chỉ đủ thực hiện duy tu, bảo trì đúng tuyến đường. Dự kiến, tổng số thu phí hết năm 2018 được khoảng 2.500 tỷ đồng, chủ đầu tư sẽ sử dụng toàn bộ vào dự án đại tu tuyến đường trong năm tới. “Tới nay, chưa đồng phí nào trên quốc lộ 5 được chuyển sang thu hồi vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”, ông Chiến nói.

Với quốc lộ 5, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường Bộ Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, trước mắt Tổng cục đã chỉ đạo đơn vị thu phí phân luồng giao thông. Theo đó, tạo riêng 1 làn giữa để các xe ưu tiên, xe cấp cứu, xe trả phí tháng qua lại thông suốt. Những xe khác, xe cố tình gây cản trở sẽ có các làn phía ngoài. “Chúng tôi làm vậy không phải để bênh vực nhà đầu tư, chỉ thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước là đảm bảo giao thông thông suốt”, ông Huyện nói.

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, nhà nước dùng quyền thu phí trên quốc lộ 5 để góp vốn với chủ đầu tư làm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thay vì nhà nước trả một phần tiền mặt cho Vidifi. “Quyết định trao quyền thu phí quốc lộ 5 cho Vidifi vào thời điểm năm 2007, khi đó các văn bản pháp luật cũng chưa bỏ trạm thu phí nhà nước trên các tuyến quốc lộ. Phải tới năm 2012, khi Quỹ Bảo trì đường bộ ra đời mới không còn trạm thu phí nhà nước”, ông Đông nói.

Năm 2013, Bộ GTVT đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rà soát toàn bộ hệ thống thu phí toàn quốc. Sau đó bộ đã kiến nghị Thủ tướng loại bỏ toàn bộ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước, một số trạm thu phí đặt chưa đúng vị trí trong dự án BOT thì chuyển về đúng dự án, như trạm thu phí Bắc Thăng Long (thu phí để thu hồi vốn đường tránh Vĩnh Yên - PV); trạm thu phí Tào Xuyên (thu phí để thu hồi vốn tuyến tránh TP Thanh Hóa - PV).

Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng đồng ý bỏ toàn bộ các trạm nộp ngân sách nhà nước, trừ các trạm thu phí dự án BOT đang hiện hữu, hoặc đã cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT. Vì vậy, việc thu phí trên quốc lộ 5 để hỗ trợ dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vẫn giữ nguyên như hợp đồng đã ký với nhà đầu tu từ năm 2007. Điều này được áp dụng trên nền tảng pháp luật khi đó, các cam kết nhà nước với nhà đầu tư.

Theo ông Đông, nếu bỏ hết các trạm thu phí BOT trên các tuyến độc đạo, các trạm đổi quyền thu phí để thu hồi vốn cho các tuyến đường khác, ngân sách nhà nước sẽ phải chi số tiền rất lớn để mua lại. Trong khi đó, hiện ngân sách còn rất khó khăn. Do đó, nếu bỏ tiền ngân sách mua trạm thu phí, trong 5-7 năm tới ngân sách sẽ không còn tiền để đầu tư vào giao thông.

“Các dự án BOT giao thông nhà nước đã ký hợp đồng được thực hiện phù hợp với quy định pháp luật thời điểm đó, cũng không ai làm trái. Nếu làm trái quy định, sẽ chẳng còn ai ngồi đây nữa. Ngoài ra, các dự án BOT cũng đã nhiều lần thanh kiểm tra, kiểm toán. Mong người dân ủng hộ các dự án BOT, nếu không sẽ không có đường tốt để đi”, ông Đông nói.

Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Vidifi cho biết, hợp đồng nhà nước ký với Vidifi để đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nhà nước phải hỗ trợ 39% tổng vốn dự án. Khoản tiền này hiện mới nằm trong kế hoạch vốn ngân sách trung hạn 2016-2020. Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ thêm chủ đầu tư 4.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đã ký quyết định, nhưng tới này Vidifi cũng chưa nhận được tiền.

Chủ tịch Vidifi cho biết thêm, tổng vốn đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khoảng 40.000 tỷ đồng, nếu hết vòng đời dự án chủ đầu tư không thu phí đủ trả lãi và gốc ngân hàng, sau 28 năm số dư nợ vay ngân hàng sẽ lên tới 160.000 tỷ đồng. Riêng 1 ngày tiền lãi ngân hàng đã hết 8 tỷ đồng, nhưng tổng tiền thu phí chỉ được 5 tỷ. Mỗi năm Vidifi vẫn phải đi vay thêm 1.000 tỷ đồng để cân đối cho dự án.

 

 

Theo Đại Đoàn Kết



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE