You are here

Không có TPP, vị trí thương mại của Việt Nam vẫn mạnh mẽ

Kiên định thực hiện những cam kết cải cách liên quan đến đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có lợi rất lớn về mặt dài hạn, ngay cả khi Hiệp định TPP không được thực hiện.

Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ, với mức lương thấp và kỹ năng tay nghề ngày càng cao. Ảnh: N.Hiền

 

Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam tháng 12-2016 với chủ đề "Lạc quan cẩn trọng về thương mại" vừa được Ngân hàng HSBC công bố ngày 1-12.

Theo đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam còn rất nhiều triển vọng. Chi phí gia tăng khiến Trung Quốc không còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với nhiều doanh nghiệp và Việt Nam trở thành một đối thủ đáng gờm. Vị trí địa lý của Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược cho các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động trên địa bàn Đông Nam Á. Do đó, Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu lý tưởng để tiếp cận các thị trường trong khối ASEAN. Một thuận lợi khác nữa là Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ, với mức lương thấp và kỹ năng tay nghề ngày càng cao. 

Chính vì vậy, tại châu Á, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn duy trì kết quả hoạt động xuất khẩu sôi động trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm chạp.

Báo cáo của HSBC cũng chỉ ra rằng ngoài TPP, Việt Nam hiện đang theo đuổi một vài hiệp định thương mại khác nhau tạo điều kiện cho Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận tốt thị trường quốc tế. Các hiệp định này bao gồm Hiệp định thương mại tự do EU vừa đàm phán gần đây và những hiệp định thương mại khác thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

“Sự thất bại của Hiệp định TPP chắc chắn là một trở ngại cho Việt Nam, nhưng vẫn dành cho Việt Nam nhiều tiềm năng tăng trưởng” – báo cáo ghi rõ. Việt Nam vẫn còn năng lực cạnh tranh cao và tiếp tục được hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng chuỗi giá trị nhanh, dành nhiều cơ hội xuất khẩu có giá trị ở những ngành hàng thấp hơn cho các quốc gia khác mà trước đây hiếm cơ hội đạt được.

Do đó, vị trí thương mại của Việt Nam tạm thời vẫn còn tương đối mạnh mẽ. Nhưng điều đó không có nghĩa Chính phủ đủ năng lực để từ bỏ các cuộc cải cách. Ví dụ như Hiệp định TPP đặt ra những đòi hỏi phải thay đổi sâu rộng hành vi của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, lao động, môi trường cũng như quy định sở hữu trí tuệ. Kiên định thực hiện những điều đó ngay cả khi Hiệp định TPP không được thực hiện cũng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có lợi rất lớn về mặt dài hạn.

“Thực tế là việc Hiệp định TPP không được thực hiện sẽ là một sự mất mát, nhưng đó chính là điều mà Việt Nam cần phải vượt qua dựa trên vị thế cạnh tranh ấn tượng của mình” – các chuyên gia của HSBC nhấn mạnh.

 

Theo Báo Hải quan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE