You are here

Giá hàng hóa thế giới giảm mạnh tuần thứ hai liên tiếp

Thị trường ghi nhận nhiều mặt hàng có mức giảm theo tuần lớn nhất trong vòng nhiều tháng trở lại đây, đặc biệt là ở nhóm Năng lượng và Nguyên liệu công nghiệp. Tuy nhiên, đáng chú ý, dòng tiền đầu tư đến thị trường vẫn liên tục gia tăng kể từ đầu tháng 10. Đóng cửa tuần, giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng hơn 7,5% so với tuần trước đó và cao hơn đến gần 33% so với mức trung bình tháng 10.

Nối dài đà giảm, cà-phê Arabica chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021

Kết thúc tuần giao dịch 14/11-20/11, lực bán áp đảo trên thị trường nguyên liệu công nghiệp. Dầu cọ thô dẫn đầu đà sụt giảm sâu với mức lao dốc 10% trong bối cảnh đồng Ringgit bất ngờ hồi phục và lo ngại về nhu cầu tiêu thụ gia tăng. Đồng Ringgit hồi phục khiến cho giá dầu cọ thô trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ đồng tiền USD, từ đó hạn chế lực mua và gây sức ép lên giá. Bên cạnh đó, việc tồn kho tại Malaysia ở mức cao nhất trong hơn 3 năm trong khi Indonesia vẫn đẩy mạnh xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ chưa có dấu hiệu cải thiện rõ ràng do Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Không Covid tiếp tục gây sức ép khiến giá đi xuống.

Theo sát diễn biến giá dầu cọ, với việc ghi nhận 5/5 phiên giao dịch cùng mang sắc đỏ, Arabica nối dài đà giảm sang tuần thứ 2 liên tiếp, đẩy giá hiện tại về mức 155,10 cents, thấp nhất trong hơn 18 tháng qua. Nguyên nhân chính khiến giá mặt hàng này lao dốc trong tuần qua phải kể đến việc tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE tăng liên tục sau khi chạm mốc thấp nhất trong 23 năm và đà tăng này dự kiến sẽ còn kéo dài trong thời gian tới khi có gần 600.000 bao đang chờ được phân loại tiếp. Thêm vào đó, số liệu xuất khẩu tích cực trong 2 tuần đầu tháng 11 tại Brazil đang cho thấy việc đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường của quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới, tạo thêm sức ép lên giá, khiến mặt hàng này giảm sâu trong tuần qua.

Giá bông quay đầu giảm sau 2 tuần tăng liên tiếp. Số liệu bán hàng bông Mỹ trong tuần qua cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là sự giảm mạnh từ Trung Quốc khi các ca mắc mới Covid-19 vẫn ở mức cao. Điều này khiến thị trường lo ngại về nhu cầu trong thời gian tới, trong khi tiến độ thu hoạch bông tại Mỹ vẫn diễn ra rất tích cực đã gây sức ép khiến giá phải quay đầu giảm.

Ở chiều ngược lại, đường vẫn duy trì được sự khởi sắc với tuần tăng thứ 3 liên tiếp và giá chạm mức cao nhất trong 05 tháng gần đây. Những cơn mưa liên tiếp trước đó tại phía nam Brazil, đặc biệt là Sao Paulo khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng, phần nào hỗ trợ giá. Bên cạnh đấy, đồng Dollar Mỹ suy yếu trong tuần qua cũng góp phần hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil, từ đó kéo giá đi lên.

Triển vọng tiêu thụ kém sắc kéo giá dầu liên tục giảm

Kết thúc tuần giao dịch 14/11-20/11, giá dầu ghi nhận 4 trong tổng số 5 phiên suy yếu, kéo theo mức giảm hàng tuần lớn nhất trong vòng 5 tháng qua. Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 trên sở NYMEX giảm 9,98%, chạm mốc 80,08 USD/thùng. Dầu thô Brent kỳ hạn tháng 1 năm sau trên sở ICE giảm 8,72% xuống còn 87,62 USD/thùng.

Lực bán đối với dầu thô trong tuần qua chủ yếu được thúc đẩy do lo ngại của thị trường về bức tranh tiêu thụ của Trung Quốc, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 liên tục gia tăng, hiện đã đạt trên 24.000 ca/ngày, tiến sát tới mức cao nhất từ trước đến nay. Dữ liệu kinh tế trong tháng 10 tại quốc gia này cũng không mấy khả quan khi doanh số bán lẻ lần đầu tiên sụt giảm kể từ tháng 5, trong khi tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp cũng chậm lại.

Áp lực bán càng được củng cố khi báo cáo dầu thô hàng tháng của các tổ chức lớn tiếp tục hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu. Cụ thể, báo cáo của Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạ nhu cầu tiêu thụ dầu trong quý IV năm nay khoảng 400.000 thùng/ngày do dịch bệnh tại Trung Quốc và những khó khăn kinh tế tại khu vực châu Âu có khả năng làm mờ triển vọng nhu cầu. Đồng thời, OPEC cũng cắt giảm dự báo tiêu thụ 100.000 thùng/ngày cho năm nay và năm 2023. Cùng chung quan điểm, Cơ quan Năng lượng quốc tế (EIA) cũng dự báo, tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại trong năm tới xuống mức 1,61 triệu thùng/ngày, thấp hơn 40.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

Yếu tố vĩ mô cũng là một nguyên nhân thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu, khi hàng loạt phát biểu của các quan chức FED đã dập tắt hy vọng về sự giảm tốc trong tiến trình tăng lãi suất. Thậm chí, Chủ tịch FED Louis James Bullard cho rằng lãi suất cần phải tăng ít nhất lên mức 5-5,25%, cao hơn dự đoán của thị trường. Đồng Dollar Mỹ do đó, đã ghi nhận đà phục hồi trong tuần và gây sức ép tới chi phí nắm giữ vật chất, từ đó kéo giá dầu giảm mạnh.

Lo ngại nguồn cung có thể sớm quay trở lại và hỗ trợ giá dầu

Theo MXV, rủi ro giá tăng trở lại vẫn còn đang tiềm ẩn do nguồn cung không chắc chắn. Hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ chỉ tăng 3 lên 782 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 18/11.

Thêm vào đó, mới đây, nhóm G7 đã đặt mục tiêu công bố mức giá mà họ sẽ đặt giới hạn lên dầu thô của Nga vào ngày 23/11 sắp tới. Trong đó, chính quyền của ông Biden dự kiến sẽ chia sẻ riêng một mức giá đề xuất trước cuộc họp này. Chỉ còn 2 tuần nữa là lệnh cấm dầu Nga của các nước phương Tây sẽ được thực thi, MXV đánh giá sẽ rất khó có thể bù đắp khoảng trống nguồn cung được dự đoán khoảng 2 triệu thùng/ngày mà Nga để lại, nhất là khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ thực hiện cắt giảm sản lượng. Thông tin này có thể giúp giá khôi phục sắc xanh trong phiên mở cửa đầu tuần. Đây cũng sẽ là các dữ liệu rất quan trọng để đánh giá triển vọng năng lượng toàn cầu trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau.

BẢO MINH



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE