You are here

Doanh nghiệp nội dung số Việt Nam: Cần làm gì khi bước ra sân chơi lớn?

Nền kinh tế số bùng nổ đã tạo nền tảng cho nhiều doanh nghiệp sáng tạo nội dung số của Việt Nam sản xuất ra những nội dung giải trí có giá trị cao và phát hành xuyên biên giới.

Tuy nhiên, trên con đường chinh phục thị trường toàn cầu, không ít doanh nghiệp sản xuất nội dung số của Việt Nam đã gặp phải trở ngại khi bị cạnh tranh không lành mạnh. 

Những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh

Theo Sách trắng “Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2021”, số lượng doanh nghiệp nội dung số tăng mạnh những năm qua, từ 2.700 vào năm 2016 lên gần 4.200 vào năm 2020. Doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số cũng tăng từ 739 triệu USD năm 2016 lên 888 triệu USD năm 2020. Đặc biệt là sản phẩm nội dung số được xuất khẩu đã tăng trưởng đáng kể, kim ngạch xuất khẩu nội dung số tăng từ 661 triệu USD năm 2016 lên 771 triệu USD năm 2018; sau đó giảm nhẹ xuống 705 triệu USD năm 2019; rồi tiếp tục tăng lên 710 triệu USD năm 2020. Những con số trên cho thấy ngành nội dung số Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn khi xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, khi bước ra sân chơi lớn không ít doanh nghiệp sản xuất nội dung số của Việt Nam đã gặp phải trở ngại khi bị cạnh tranh không lành mạnh thông qua hành vi tuyên truyền xấu, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, mạo danh chủ sở hữu sản phẩm, khiếu nại, khiếu kiện vô căn cứ... 

Có thể kể đến trường hợp gần đây nhất là Công ty Entertainment One UK Limited (gọi tắt là EO, có trụ sở tại London, Anh) liên tục kiện Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect). Cụ thể, Công ty EO và một doanh nghiệp khác đồng sở hữu sản phẩm Peppa Pig. Đây là bộ nhân vật và tập phim hoạt hình về gia đình chú heo Peppa Pig nhỏ tuổi. Các tập phim hoạt hình Peppa Pig (khoảng 450 tập) được chiếu trên truyền hình ở Anh và một số nước châu Âu. Trong khi đó, Công ty Sconnect (trụ sở tại Hà Nội) là chủ sở hữu của sản phẩm Wolfoo-bộ nhân vật và hàng loạt phim hoạt hình với nội dung về chú sói nhỏ Wolfoo cùng gia đình và bạn bè. Các video hoạt hình Wolfoo (khoảng 2.700 tập) được dịch ra 17 thứ tiếng, phát trên nhiều nền tảng, như: YouTube, Facebook, TikTok, Netflix, kênh truyền hình, nền tảng online của nhiều quốc gia từ năm 2018 tới nay. Đến nay, Công ty Sconnect đã có chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Việt Nam; chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Mỹ (với 20 nhân vật); chứng nhận bản quyền kịch bản phim hoạt hình Wolfoo tại Việt Nam; chứng nhận bản quyền phim hoạt hình Wolfoo tại Việt Nam. 

Văn phòng sản xuất series phim hoạt hình Wolfoo của Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam. Ảnh: HOÀNG MẠNH  

Thế nhưng, lợi dụng kẽ hở của YouTube, từ cuối năm 2021 tới nay, Công ty EO liên tục có hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với Sconnect khiến doanh nghiệp Việt chịu thiệt hại nặng nề. Từ tháng 2-2022, EO đã nộp đơn khởi kiện Sconnect tại Vương quốc Anh với các cáo buộc phim hoạt hình Wolfoo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của phim hoạt hình Peppa Pig và liệt kê 91 video kèm theo đơn khởi kiện. Đến nay, đơn kiện này chưa được tòa án Anh thụ lý, nhưng EO vẫn đánh bản quyền rất nhiều video Wolfoo, bao gồm cả các video trong và ngoài đơn khởi kiện mà EO đã nộp và YouTube vẫn chấp nhận gỡ toàn bộ các video bị đánh bản quyền, kể cả các video không liên quan đến đơn khởi kiện.

Trước đó, ngày 11-1-2022, EO cũng đã nộp đơn khởi kiện Sconnect ra tòa án Nga liên quan đến vấn đề bản quyền của phim hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig. Ngày 7-7-2022, dựa trên kết quả thẩm định của các chuyên gia văn học, nghệ thuật Nga khẳng định bộ nhân vật Wolfoo không phải là làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig, tòa án Nga đã ra phán quyết buộc EO không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật Wolfoo là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig. Thế nhưng cho đến nay, YouTube vẫn khoá hơn 1.000 video phim hoạt hình Wolfoo, gây thiệt hại vô cùng lớn cho Sconnect. Mặc dù YouTube có chính sách về việc ngăn chặn hoặc nghiêm cấm các hành vi lạm dụng chính sách của nền tảng và phía Sconnect cũng có email xem xét hành vi lạm dụng của EO. Tuy nhiên, khi Sconnect đã cung cấp toàn bộ tài liệu chứng cứ, phán quyết của tòa án Nga song YouTube vẫn “phớt lờ”, tiếp tục cho phép EO thực hiện các yêu cầu đánh bản quyền sai trái.

Cần chuẩn bị kỹ lưỡng khi ra sân chơi lớn

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam hiểu và sẵn sàng tham gia vào các “sân chơi lớn” như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chỉ khoảng 20-30%. Để tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), theo các chuyên gia, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nội dung số nói riêng cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh để tăng cường khả năng thâm nhập thị trường của các nước đối tác, thông qua mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Cụ thể, để mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp cần huy động sự đầu tư về vốn, nhân lực, công nghệ. Đặc biệt, đầu tư phát triển công nghệ phù hợp với khả năng sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến, quảng bá về sản phẩm trên thị trường nước ngoài cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Doanh nghiệp nội dung số Việt Nam cần có chiến lược dài hạn xây dựng thương hiệu về sản phẩm và doanh nghiệp nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu...

QUANG DUY 



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE