You are here

Điều chỉnh một số khoản phí, lệ phí

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 117/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 279/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm;Thông tư số 118/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản.

Lệ phí cấp mới giấy phép hoạt động thủy sản đối với tàu cá nước ngoài là 200 USD/lần. Ảnh: internet.

Theo Thông tư 117, phí thẩm định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu khi đánh giá lần đầu, đánh giá mở rộng là 28,5 triệu đồng/lần/đơn vị thay vì 32 triệu đồng như trước kia. Trường hợp đánh giá lại thì phí là 20,5 triệu đồng.

Cụ thể, Thông tư này sửa đổi phần I; điểm c mục 1, mục 2 phần III; phần IV Biểu phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 279/2016/TT-BTC như sau:

Phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm dao động từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng tùy loại hồ sơ. 

Phí thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm thấp nhất là 500.000 đồng/cơ sở khi thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cao nhất 28,5 triệu đồng/lần/đơn vị khi thẩm định lần đầu điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu.

Phí thẩm định nội dung kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm, trên các vật liệu khác và tài liệu trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế có mức thu cố định là 1,1 triệu đồng.

Thông tư số 117/2018/TT-BTC cũng bổ sung khoản 3 Điều 6 Thông tư số 279 như sau: “Trường hợp tổ chức thu phí là doanh nghiệp: Tiền phí thu được là doanh thu của tổ chức thu phí. Tổ chức thu phí được giữ lại 100% số tiền phí thu được để trang trải cho việc thu phí và phải khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tổ chức thu phí thực hiện lập và giao hóa đơn cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn”.

Với Thông tư số 118/2018/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định cụ thể mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản.

Theo đó, phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản là 150.000 đồng + (số tấn thủy sản x 15.000 đồng/tấn). Mức phí này tối đa 700.000 đồng/lần.

Lệ phí cấp mới giấy phép khai thác thuỷ sản là 40.000 đồng/lần và gia hạn hoặc cấp lại là 20.000 đồng/lần. Đổi giấy phép do đổi nội dung trong giấy phép là 40.000 đồng/lần. Lệ phí cấp mới giấy phép hoạt động thủy sản đối với tàu cá nước ngoài là 200 USD/lần; gia hạn hoặc cấp lại 100 USD/lần. Đổi giấy phép do đổi nội dung trong giấy phép có mức thu là 200 USD/lân.

Thông tư 118 cũng quy định, chậm nhất là ngày 20 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí, lệ phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19, khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP.

Về việc quản lý phí, đối với tổ chức quản lý cảng cá là đơn vị sự nghiệp công lập thì trích 90% số tiền phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản thu được để chi cho các nội dung quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp tổ chức quản lý cảng cá là doanh nghiệp, tiền phí thu được là doanh thu của tổ chức quản lý cảng cá. Tổ chức quản lý cảng cá được giữ lại 100% số tiền phí thu được để trang trải cho việc thu phí và phải khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Đối với tổ chức thu lệ phí, nộp 100% tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu lệ phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

2 Thông tư nói trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2019.

Theo Báo Hải Quan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE