You are here

CPTPP - cơ hội và thách thức đối với ngành nông thủy sản

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019 với Việt Nam, nhiều cam kết thuế quan và phi thuế quan ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản, trái cây, rau củ và sản phẩm thịt của Việt Nam. Vì vậy việc tìm hiểu các cam kết CPTPP liên quan, nhận diện các tác động tới triển vọng thị trường cũng như xu hướng phát triển của các ngành này có ý nghĩa quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các cơ hội hấp dẫn từ CPTPP.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, với năng lực cạnh tranh hạn chế về nhiều mặt, chăn nuôi và chế biến thịt là một trong số ít ngành nhạy cảm với những ảnh hưởng bất lợi từ quá trình hội nhập và các cam kết mở cửa thị trường. Mặc dù giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi đã có sự cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2000-2012 (giá trị sản xuất năm 2012 cao gấp 8 lần so với năm 2000; tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp tăng từ 19,4% năm 2000 lên 26,8% năm 2012), nhưng từ năm 2012 đến nay, hoạt động chăn nuôi và sản lượng thịt các loại của Việt Nam tăng trưởng ở biên độ hẹp hơn nhiều so với giai đoạn trước. CPTPP có nhiều cam kết thuế quan và phi thuế quan có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản, trái cây, rau củ và sản phẩm thịt của Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh, để khắc phục những ảnh hưởng bất lợi, các tác nhân trong chuỗi giá trị của ngành không còn con đường nào khác là làm ăn bài bản. Quan trọng nhất là liên kết cùng chinh phục mục tiêu, cùng giúp nhau đón được cơ hội thực sự. Ngoài ra, doanh nghiệp không được chủ quan với việc được hưởng ưu đãi thuế quan bởi sau nó là hàng rào kỹ thuật.

Nếu như ngành chăn nuôi, chế biến thịt còn những hạn chế nhất định như quy mô nhỏ lẻ, công nghệ chế biến thô sơ, giá thành cao thì bù lại ngành thủy sản và trái cây tại khu vực ĐBSCL đang đứng trước cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường. Trước hết là ngành thủy sản là ngành kinh tế thế mạnh truyền thống của Việt Nam. Trong quá trình hội nhập, thủy sản cũng là ngành năng động, đứng trong tốp các ngành xuất khẩu lớn và phát triển liên tục. Thủy sản của Việt Nam hiện đã có mặt ở khoảng 160 thị trường, trong đó 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản (chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu). Trái cây rau củ cũng là ngành nông nghiệp có thế mạnh, với các lợi thế về kinh nghiệm sản xuất, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và lao động. Năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu xấp xỉ 3,81 tỉ USD trái cây rau củ đến hơn 60 thị trường nước ngoài (trong đó khoảng 70% là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% sản lượng được xuất khẩu và dư địa các thị trường xuất khẩu còn rất rộng và nhu cầu thế giới đối với các sản phẩm trái cây, rau củ ngày càng lớn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, bên cạnh cơ hội thì 2 ngành này cũng cần phải nỗ lực vượt qua thách thức rào cản cả kỹ thuật và pháp lý ở các thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, cần phải tái cơ cấu sản xuất, thay đổi công nghệ gieo trồng, chế biến phù hợp đảm bảo yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn nhưng giá cả ngày phải càng rẻ hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, CPTPP là một trong 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao nhất mà Việt Nam ký kết cho tới thời điểm hiện tại. CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội phát triển có ý nghĩa cho nhiều ngành kinh tế, cho môi trường kinh doanh Việt Nam. Trong đó, thủy sản, trái cây, chăn nuôi và chế biến thịt là những ngành kinh tế quan trọng của ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung. Bước đầu hội nhập đã thúc đẩy cả ba lĩnh vực quan trọng này của ngành nông nghiệp có những chuyển động mạnh mẽ, với những nỗ lực tái cơ cấu, công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển bền vững, đồng thời sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Các doanh nghiệp, đặc biệt người nuôi trồng trong các lĩnh vực này rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan. Thực tế hiện nay, sự hỗ trợ này còn khá ít, chưa bao phủ đến nhiều đối tượng.

Ông Lý Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ, cho rằng, lợi thế hiện nay là người tiêu dùng ĐBSCL vẫn ưa chuộng thịt nóng (thịt hơi giết mổ và tiêu thụ ngay trong ngày) còn rất phổ biến, tạo lợi thế đáng kể cho nguồn cung trong nước. Thực tế, ngành chăn nuôi nước ngoài với công nghệ cao, chi phí thấp, dẫn đến nguồn thịt nhập khẩu hiện có giá rẻ hơn tại thị trường Việt Nam. Mong rằng CPTPP sẽ thay đổi nhận thức từ phía người chăn nuôi trong việc nâng chất sản phẩm để ngành chăn nuôi đủ sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), cho rằng, xuất phát từ người nông dân nên doanh nghiệp hiểu được trồng trọt và con đường phát triển của trái cây Việt. Với xu hướng hội nhập kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, trái cây Việt Nam có cơ hội để khẳng định mình trước thị trường thế giới. Điểm yếu khác của doanh nghiệp Việt Nam đối với mặt hàng này là bảo quản sau thu hoạch còn rất yếu, do đó dù đạt năng suất cao, chủng loại đa dạng, nhưng hầu hết của trái cây Việt Nam khi đến thị trường xuất khẩu chất lượng bị giảm đi rất nhiều. Chánh Thu là doanh nghiệp xuất khẩu xoài đầu tiên vào thị trường Mỹ. Để có thể “mở hàng” đưa trái xoài đi Mỹ, công ty đã mất nhiều năm để tiếp cận thị trường này. Hiện tại doanh nghiệp cũng đã xuất được 5-7 tấn sầu riêng sang thị trường Nhật Bản. Đây chưa phải là số lượng lớn nhưng là tín hiệu khả quan.

Mở được thị trường đã khó, giữ được thị trường càng khó hơn. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu cho biết, doanh nghiệp tâm huyết, cho dù ở lĩnh vực nào hay nhu cầu nước nào, sản phẩm cũng cần đảm bảo sạch, an toàn, đúng tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp cần cùng nhau liên kết để giữ được uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Cùng đó, doanh nghiệp cũng rất cần các ngành chức năng đẩy mạnh kiểm soát để có được sự minh bạch thị trường.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Theo Báo Cần Thơ



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE