You are here

Chương trình OCOP nâng cao chất lượng, giá trị nông sản

Qua 3 năm triển khai, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận khi đã hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Thời gian tới, khi số lượng các sản phẩm phát triển nhiều hơn, các địa phương cùng các chủ thể cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm; tham gia sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hiện đại.

100 sản phẩm OCOP được công nhận

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TU ngày 27.6.2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ thị việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 109 sản phẩm OCOP của 49 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 40 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 68 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Nai được bày bán trong siêu thị. Nguồn: ITN

Các sản phẩm OCOP được đánh giá có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá rộng khắp thị trường trong nước và nước ngoài. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại vừa qua, đã có 18/109 sản phẩm của 7 chủ thể đã đã xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Có thể kể đến sản phẩm nấm mèo đen của Công ty TNHH thế giới dinh dưỡng; sầu riêng múi đông lạnh đóng hộp và sầu riêng múi đông lạnh hút chân không của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng; xoài sấy dẻo của Công ty TNHH sản xuất thương mại Phú Lộc Thành; hạt điều rang muối, hạt điều vỏ lụa của Công ty TNHH một thành viên Thực phẩm Yến Nhung; hạt điều trắng của Công ty CP Sản xuất thương mại Huỳnh Minh Chi nhánh Đồng Nai; Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức có 5 sản phẩm (bột cacao nguyên chất, rượu vang cacao, bột cacao 3in1, socola sữa, socola đắng)…

Ngoài ra, nhiều chủ thể cũng đang từng bước khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình, tiến đến mở rộng thị trường xuất khẩu như thanh long đỏ lên men, cao an xoa, sản phẩm chế biến từ sen. Chương trình OCOP được Đồng Nai xác định là một trong những động lực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng. Tỉnh đặt ra mục tiêu cao cho chương trình, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm mà còn phải chú trọng cả về mặt chất lượng.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm

 Để sản phẩm OCOP ngày càng đi xa hơn, hiện nay các địa phương đã và đang chung tay cùng các chủ thể đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, các sự kiện kết nối giao thương, hội chợ thương mại quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên toàn quốc; tham gia sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hiện đại.

Ngay từ giai đoạn đầu triển khai, phong trào khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia, nhất là lực lượng thanh niên, phụ nữ với các phong trào: thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với chương trình OCOP, phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đồng hành cùng sản phẩm OCOP.

Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 144 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên; ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Định hướng phát triển chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, các địa phương phải có lộ trình nâng cấp các sản phẩm OCOP đã đạt 3 sao lên 4 sao và 5 sao; khai thác hết lợi thế của những sản phẩm tiềm năng, có giá trị cao cho địa phương.

Thời gian tới, khi số lượng các sản phẩm phát triển nhiều hơn, các địa phương, đơn vị chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm OCOP. Các địa phương phải phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của người dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững; góp phần thực hiện nội dung thứ 3 của chương trình xây dựng nông thôn mới là “tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”.

Để đạt mục tiêu chung do tỉnh đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến huyện Vĩnh Cửu sẽ phát triển 15 chủ thể với 20 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Riêng trong năm 2021, huyện đã xây dựng kế hoạch hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn OCOP cho 4 chủ thể với 5 sản phẩm đăng ký. Tuy có kế hoạch phát triển cụ thể cho từng năm nhưng địa phương này chủ yếu chỉ quan tâm đến phát triển về số lượng sản phẩm.

Thảo Anh



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE