You are here

Bán lẻ phải thích nghi với thời 4.0

Giới chuyên gia nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam muốn phát triển cần phải bắt nhịp được với xu thế của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi chỉ khi có sự góp sức của công nghệ, các doanh nghiệp (DN) ngành bán lẻ mới có thể trụ vững trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay.

Công nghệ, sáng tạo quyết định sự phát triển

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2018 có sự gia tăng mạnh cả về quy mô và tốc độ khi tăng trưởng 11,6% so với năm 2017. Và cũng như các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, ngành bán lẻ chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên hệ thống kết nối số hóa - vật lý - công nghệ sinh học, trong đó sự đột phá của Internet và trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ tới DN, trong đó có các DN thuộc ngành bán lẻ.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Việt Nam là nước đang phát triển, việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các DN Việt bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường…

Có thể khẳng định, bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến – bán lẻ của thời công nghệ hiện đại, đang ngày một xóa nhòa ranh giới. Giới chuyên gia trong ngành bán lẻ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, hai yếu tố quyết định sự phát triển của ngành này chính là công nghệ và sáng tạo. “Nếu không có hai yếu tố này, bán lẻ Việt Nam sẽ không phát triển được trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay” – TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định.

Xu thế chung của thị trường bán lẻ thế giới được phác thảo như sau: Các nhà bán lẻ trực tuyến có xu hướng mở thêm cửa hàng thực thể bằng cách xây dựng hoặc thuê của nhà cung cấp, ví dụ như EverLane, KeepLand, hay ngay cả Amazon cũng đã triển khai mô hình cửa hàng Amazon 4 Star Store… Điều này nhằm giúp khách hàng không chỉ chọn mua sản phẩm trực tuyến, mua sắm online thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động, mà còn có thể cảm nhận trực tiếp sản phẩm. Chính bởi vậy, lời khuyên được các chuyên gia ngành bán lẻ đưa ra đó là, các DN bán lẻ cần phải nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, cùng với đó là phải không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Chỉ khi đạt được những yếu tố này, ngành bán lẻ mới có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khó tính của người tiêu dùng hiện nay.

Tận dụng ưu thế của thương mại điện tử

Cũng giống như kênh bán lẻ truyền thống, các kênh bán lẻ trực tuyến cũng cần phải xây dựng được thương hiệu, hình ảnh, chữ tín đối với người tiêu dùng. Đó là yếu tố sống còn để các DN bán lẻ trong nước có thể cạnh tranh được với bán lẻ ngoại. Thêm vào đó, theo giới chuyên gia, những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 mở ra muôn vàn cơ hội cho các nhà bán lẻ Việt Nam trong việc mở rộng quy mô thị trường, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài. Công nghệ và những thành tựu của sự phát triển hiện đại, sàn thương mại điện tử sẽ kết nối nhà phân phối với người tiêu dùng, xóa nhòa khoảng cách không gian và thời gian. Đây chính là ưu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 dành cho các lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngành bán lẻ.

“Các nhà bán lẻ có thể giảm tối đa chi phí vận hành vì không cần mở rộng quá nhiều mặt bằng kinh doanh, sử dụng hệ thống bán hàng tự động từ đó sẽ giảm bớt được chi phí thuê nhân viên bán hàng…” – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Văn Hội chia sẻ tại một cuộc hội thảo liên quan đến lĩnh vực này.

Giới chuyên gia nhận định, yếu tố ảnh hưởng lớn đến thành công của ngành bán lẻ chính là công nghệ. Công nghệ tạo ra đặc thù độc đáo, khuyến khích sự tương tác của khách hàng với công nghệ số, qua đó giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm mọi thứ qua điện thoại thông minh, thậm chí có thể tới cửa hàng tự thiết kế, lựa chọn rồi đặt món hàng đó.

Tuy nhiên, không giống như bán lẻ truyền thống, bản lẻ trực tuyến đòi hỏi đội ngũ nhân viên phải có trình độ, khả năng nắm bắt, tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin một cách nhạy bén, thành thục… Do đó, khâu đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, thao tác tạo nguồn nhân lực mạnh cho ngành bán lẻ trực tuyến là cần phải được chú trọng. Đây chính là một trong những vấn đề khá hóc búa của ngành bán lẻ nước nhà hiện nay.

Dù vậy, xu hướng ứng dụng công nghệ hiện đại vào kinh doanh, sản xuất là tất yếu đối với bất cứ một ngành kinh tế nào trong bối cảnh hiện nay. Giới chuyên gia đánh giá, DN hiện nay muốn trụ vững và phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải chú trọng giải quyết các vấn đề: Sự kỳ vọng của khách hàng, tăng cường chất lượng dịch vụ sản phẩm, đổi mới phương thức hợp tác, tư duy quản lý điều hành DN.

Theo Đại Đoàn Kết



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ PHÁT SÓNG

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE