You are here

Hiện đại hóa hệ thống thư viện

Trải nghiệm giải pháp số hóa thư viện tại hội thảo “Chuyển đổi số và liên thông thư viện”.

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã được ngành thư viện thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, quá trình thực hiện bộc lộ hạn chế, cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại.

Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu hiện nay đối với nhiều ngành nghề, trong đó có ngành thư viện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, phát triển tài nguyên thông tin số, cơ sở dữ liệu số trong các hoạt động của ngành thư viện diễn ra khá sớm, giúp ngành thư viện phát triển đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và đã có không ít thư viện bắt kịp với xu hướng này.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống thư viện từ năm 2015, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã tạo lập và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ thông tin, xây dựng môi trường dữ liệu đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin nhanh, hiệu quả của bạn đọc; nâng cấp phần mềm quản trị thư viện điện tử, duy trì trang thông tin thư viện; cấp quyền sử dụng cho bạn đọc và cung cấp user miễn phí cho người dân sử dụng một số trang web; tăng tương tác, truy cập của bạn đọc tìm hiểu về thư viện, truy cập tra cứu tìm tư liệu, trao đổi, hỗ trợ trả lời bạn đọc qua Facebook, chatbox một cách nhanh nhất; liên kết bổ sung sách điện tử (sách số) với các nhà xuất bản, các công ty cung cấp giải pháp sách số phục vụ người đọc, hỗ trợ người đọc mượn sách, trả sách, gia hạn sách hoàn toàn trên môi trường số.

Đến nay, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng có 11.884 bản sách điện tử có bản quyền phục vụ bạn đọc. Thư viện tiếp tục số hóa kho tài liệu địa chỉ, sách báo, tạp chí trên phần mềm thư viện điện tử phục vụ tra cứu, học tập. Lượt truy cập website thư viện trung bình hơn 20 nghìn lượt mỗi tháng, lượt theo dõi trang fanpage Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng gần 11 nghìn lượt.

Coi chuyển đổi số là nền tảng cho sự phát triển, thư viện tỉnh Đồng Tháp đã ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội, làm chủ công nghệ để chuyển đổi đồng bộ, bền vững, hiệu quả. Tập trung đầu tư hệ thống thư viện điện tử là tiền đề để Đồng Tháp tổ chức lại hệ thống cung cấp thông tin, tiến đến xây dựng một hệ thống thông tin tổng thể quản trị thư viện theo mô hình thư viện hiện đại và thông minh. Những năm gần đây, thư viện từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng số, hệ thống máy chủ, máy tính kết nối internet tốc độ cao.

Bạn đọc truy cập cơ sở dữ liệu tại Thư viện quốc gia Việt Nam. (Ảnh TRẦN HẢI) 

Chính vì vậy, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, thư viện tỉnh Đồng Tháp đã linh hoạt chuyển đổi hình thức phục vụ bạn đọc từ trực tiếp sang trực tuyến, đáp ứng nhu cầu tra cứu, học tập mọi lúc, mọi nơi, nhanh và hiệu quả. Bên cạnh trang thông tin điện tử, thư viện phát triển fanpage trên Facebook, YouTube, phát triển các nội dung số trên nền tảng các trang thông tin và mạng xã hội, số hóa 746 đầu tài liệu, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ đọc sách định kỳ trên Zalo, ứng dụng QR code trong trưng bày, triển lãm tài liệu phục vụ bạn đọc. Các hoạt động nghiệp vụ như giới thiệu tài liệu đến bạn đọc, làm thẻ thư viện, mượn và gia hạn sách báo, tài liệu trực tuyến, truy cập tài liệu số… đều thao tác trực tuyến.

Tuy nhiên, hiện nay không ít thư viện ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số. Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số ngành thư viện; giai đoạn 2025-2030 tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, dữ liệu số ngành thư viện ở giai đoạn 2021-2025, Vụ Thư viện đã triển khai xây dựng trang thông tin điện tử quản lý hoạt động thư viện; khảo sát các thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành về nguồn lực thư viện phục vụ chuyển đổi số…

Đến nay hầu hết thư viện công cộng đã vận hành thư viện điện tử, hình thành tài liệu điện tử, tài liệu số. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương, hạ tầng công nghệ thông tin nhiều thư viện lạc hậu, chắp vá, rời rạc, chưa có đầy đủ dịch vụ của một thư viện hiện đại, thiếu phần mềm quản trị thư viện điện tử, chưa có giải pháp cụ thể trong số hóa tài liệu và phục vụ tài liệu số hóa cho bạn đọc, tốc độ số hóa tài liệu tại các thư viện chậm do kinh phí dành cho công tác số hóa tài liệu hạn hẹp, nhân lực thư viện nói chung và nhân lực công nghệ thông tin thiếu và yếu. Cùng với đó là nhận thức về chuyển đổi số thư viện, cập nhật kiến thức và kỹ năng số, kỹ năng tổ chức dữ liệu và vận hành thư viện hiện đại còn rất hạn chế.

Tại Hội thảo “Chuyển đổi số và liên thông thư viện” do Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, bà Trần Thị Hải Yến, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia cho biết: Thư viện Khoa học và Công nghệ quốc gia phục vụ bạn đọc nhiều năm qua, song hệ thống cơ sở vật chất lạc hậu, chưa áp dụng các công nghệ của thư viện thông minh, thư viện xanh đang là xu hướng hiện nay. Các phần mềm quản lý tài nguyên và bạn đọc không đáp ứng được yêu cầu quản lý thư viện trong bối cảnh mới. Theo bà Yến, hoạt động chuyển đổi số thư viện giai đoạn 2022-2025 cần được triển khai mạnh mẽ, đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi, phát triển Thư viện Khoa học và Công nghệ quốc gia trở thành thư viện số thông minh có hạ tầng số, dữ liệu số và cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Để làm được điều này, cần tập trung các giải pháp phát triển hạ tầng số, tài nguyên số, nền tảng dịch vụ số thông minh.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số không chỉ là thay đổi cách thực hiện, từ thủ công sang vận dụng công nghệ để giảm thiểu sức người mà chuyển đổi số trong ngành thư viện là áp dụng công nghệ thông tin xây dựng nền tảng số, xây dựng dữ liệu mở để mọi người cùng tham gia, góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin thư viện quốc gia. Chuyển đổi số đóng vai trò thay đổi tư duy và phương thức thực hiện, vận hành.

Thực tế phần lớn các thư viện hiện nay mới chỉ đang cung cấp một số dịch vụ trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thư viện theo hướng chuyển đổi số, thiếu sự đồng bộ, chuẩn hóa và mang tính toàn diện. Với mục tiêu đưa thư viện dần trở thành trung tâm thông tin, môi trường tự học, tự nghiên cứu ngoài nhà trường dành cho mọi đối tượng người đọc, chuyển đổi số là nhiệm vụ có quy mô và phạm vi rộng, chỉ thực hiện chuyển đổi thành công khi kết hợp đồng bộ các yếu tố về cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư, nguồn nhân lực.

Việc tuyên truyền phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, khuyến khích người đọc sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số cũng như hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số cùng đào tạo nguồn nhân lực là những nội dung cần hoàn thiện để chuyển đổi số ngành thư viện thành công. Đó cũng là cơ hội để tăng tốc hiện đại hóa ngành thư viện, phát triển đồng bộ cùng các ngành và lĩnh vực khác trong chủ trương chuyển đổi số quốc gia ■

Bài và ảnh: NGỌC LIÊN



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE